Nỗi oan của soạn nhạc Tạ Tường bao giờ được giải? (03/10/2012)
Mới đây Báo CCB Việt Nam nhận được “Thư kiến nghị” của ông Nguyễn Văn Thịnh, nguyên cán bộ tình báo của Tổng cục 2 Bộ Quốc Phòng; hiện là Trưởng ban liên lạc cựu sĩ quan tình báo Liên khu 3 tại TP Hồ Chí Minh và cũng là người bạn thân thiết một thời với ông Tường gửi về tòa soạn báo. Chúng tôi xin biên tập, tóm lược để rộng đường dư luận.
Kính gửi: Ông Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam
Thưa ông Tổng biên tập, tôi tên là Nguyễn Văn Thịnh, nguyên sĩ quan tình báo Bộ Quốc phòng, hiện trú tại 37/10 Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh gửi văn bản này vì trách nhiệm với đồng đội và cũng là dịp thể hiện lòng mong muốn, yêu cầu của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Kim Hùng, nguyên là Cục phó Cục tình báo Bộ Quốc phòng giao trách nhiệm cho chúng tôi làm việc với Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) về sự việc của đồng chí Tạ Tường đã phải hứng chịu “oan sai” vào năm 1977, khi đồng chí Tường được đơn vị cử đi sáng tác nhạc nhưng không hiểu vì lý do gì bỗng dưng đơn vị cho là đồng chí vô kỷ luật, rồi cắt lương, hủy hồ sơ mà không cần đến một Hội đồng kỷ luật, không một văn bản thông báo…
Hơn 30 năm, sự việc của đồng chí Tạ Tường chưa được giải quyết, 35 năm không được hưởng một đồng lương và các chế độ, 35 năm nhà đang ở bị thu hồi chưa được thu xếp nơi ở mới và suốt 50 năm theo và cống hiến trọn đời vì cách mạng, Tổ quốc và lợi ích xã hội vẫn không được quan tâm cấp nhà theo tiêu chuẩn như mọi cán bộ bình thường cùng trang lứa của nhạc sĩ… dẫn đến: Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, thời tiết Hà Nội rét đậm kéo dài, đồng chí Tạ Tường do không có nhà phải đi thuê một căn nhà nhỏ thì bị chủ nhà “mời ra khỏi nhà” vì lý do “phá để sửa chữa, nâng cấp”…
Gần 80 tuổi, sống không một đồng lương hưu, không nơi nương tựa, chẳng một mái nhà che thân… sức khỏe ngày một giảm sút nhưng ngày ngày đồng chí Tường vẫn ngóng chờ các cơ quan chức năng giải quyết. Nhưng sự chầu chực đó đổi lại chỉ nhận được những lời hứa hoặc cao hơn là “đá lên” rồi lại “đá xuống”; “đá ngang” rồi lại “đá dọc” tới các cơ quan chức năng khác. Còn ngay chính cơ quan quản lý cũ của đồng chí Tường là Nhà xuất bản Văn hóa và bộ chủ quản gần như buông xuôi!
Đã ba đời Bộ trưởng Văn hóa đồng chí Tường kêu lên chưa giải quyết được vì mỗi khi các Bộ trưởng hỏi đến, NXB trả lời “Chúng tôi không cử ông Tường, ông Tường vô kỷ luật, vô tổ chức, tự ý bỏ cơ quan…”. Các Bộ trưởng đành chịu vì ông Tường không có giấy tờ nào có thể chứng minh cho mình được!
Hi vọng le lói, vào cuối năm 2007, vô tình ông Tường tìm được tờ giấy “ủy nhiệm” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ủy nhiệm ông Tạ Tường là cán bộ NXB Văn hóa đem theo Công lệnh số 53/XBVH. Đồng thời là đoàn viên đi sáng tác tại miền Nam do Hội Nhạc sĩ tổ chức. Vì bận ở lại, nên giấy quyết định của đoàn, đã đem theo đoàn ra trước…”. Tờ giấy ủy nhiệm được sao y bản chính do Trưởng công an phường 5, quận Bình Thạnh Nguyễn Trọng Cường ký và đóng dấu ngày 15-3-1977 như mở ra một lối thoát cho ông Tường suốt 30 năm qua.
Ông Tường quay về NXB, nhưng lãnh đạo nơi đây nói không còn hồ sơ lưu hướng dẫn ông Tường xin xác nhận của những cán bộ từng công tác cũ, ít nhất từ ba người trở lên sẽ được giải quyết. Ông Tường cũng được một vị cán bộ Vụ tổ chức của Bộ VHTTDL hướng dẫn như vậy. 3 đến 4 năm ròng rã Bắc - Nam xin xác nhận, ông Tường có trong tay những xác nhận của một số cán bộ cùng thời với ông nhưng khi gửi những xác nhận này làm cơ sở để cơ quan cũ giải quyết họ lại nói “Thiếu đâu 30 cán bộ cùng công tác ở NXB mà phải đi xin những người khác..”?
Điều đau buồn là những người xác nhận như chúng tôi, nhưng ông Phó giám đốc NXB VHTT mới được cử về còn không tin vào cả những gia đình cách mạng một thời đùm bọc, che chở cho ông Tường khi tham gia hoạt động cách mạng ngầm xác nhận cho đồng chí Tường? Họ còn lu loa, ông Tường tự viết ra và tự lấy xác nhận của người quen biết. Và rồi vị phó giám đốc này còn trở cờ: “Những xác nhận này chỉ là tham khảo, cơ sở giải quyết phải là hồ sơ gốc!”.
Có không ít tới chục lần đồng đội ông Tường đến gặp trực tiếp ông phó giám đốc NXB hỏi cho rõ nhưng lúc nào ông này cũng có lý do “Hiện rất bận, không thể tiếp các bác được”…
Nay đất nước hòa bình, đổi mới toàn diện mà sao vẫn còn chuyện của một cán bộ cách mạng bị oan sai, không được giải quyết thấu đáo, triệt để và những người như ông PGĐ kia sao vẫn còn tồn tại, thao túng làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cụ thể trước mắt là người bị hại lâm vào tình trạng khó gỡ...
Nguyễn Văn Thịnh