Nỗi niềm trăn trở của một CCB

CCB Lê Văn Chớ cùng đồng đội trong chuyến đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ngày 27-7, tôi mua một ít hoa quả và nén nhang, lặng lẽ ngược đường ra sông Cày (T.P Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), nơi khách sạn Hoàng Anh tọa lạc để thắp nén nhang thơm lên bàn thờ chung, tỏ lòng thành kính gửi đến những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình, thống nhất đất nước. Bàn thờ chung ấy do CCB Lê Văn Chớ lập nên. Các anh - người đã tìm được mộ và trở về trong vòng tay của gia đình, người vẫn còn là nấm mộ vô danh hoặc vùi xương cốt nơi bìa rừng hay bưng biền nào đó... Những mong, anh linh của các anh ở trời cao có thể được an ủi phần nào khi tại đây, ngay cạnh con sông Cày này, có một bàn thờ lúc nào cũng đỏ hương thơm tưởng nhớ các anh; có một người đồng đội của các anh, dù đã ở tuổi thất thập vẫn ngày đêm trăn trở tìm kiếm thông tin, kết nối các CCB tại mặt trận năm xưa để tìm kiếm hài cốt của các anh, giúp đỡ gia đình các thân nhân liệt sĩ bằng mọi cách có thể.

Lạ thay, là năm thứ ba tôi quen CCB Lê Văn Chớ, mà trông ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và hào sảng. Ông bảo, dịp vừa rồi ông và đồng đội mới đi Quảng Trị về, vào đó thăm lại cơ sở cách mạng ngày xưa, nơi đã từng nuôi giấu ông và các đồng chí của ông. “Các bà ấy giờ già rồi, có người giờ nằm một chỗ, nhưng vẫn nhớ rõ những ngày tháng khốc liệt ấy”. “Đi cũng vì mục đích tìm hiểu thông tin về các liệt sĩ ngày xưa cùng chiến đấu với mình nhưng giờ chưa tìm được hết danh sách tên tuổi và chưa tìm thấy mộ” - CCB Lê Văn Chớ tâm sự.

Mỗi ngày, sáng mở mắt ra việc đầu tiên ông làm là vào facebook để xem có gia đình thân nhân liệt sĩ nào bổ sung danh sách các liệt sĩ Sư đoàn 324, Quân khu 4, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812 (Đoàn 2) và các đơn vị tham gia trận đánh ngày 8-5-1967 tại Cồn Tiên, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong trận đánh ác liệt đó, 230 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, bị địch vùi chung trong các hố chôn tập thể. Năm 2000, CCB Mỹ chỉ tọa độ, ta khai quật được 173 hài cốt liệt sĩ. “Ngày khai quật, những chiếc dây dù mà địch dùng trói chân các chiến sĩ Quân giải phóng vẫn chưa tiêu hủy. Chúng trói hai người một, lôi đi chôn rồi vứt luôn dây xuống, giờ kéo dây lên là bốn chiếc ống chân còn trói theo dây cũng được nhấc lên theo, treo lủng lẳng”. Tôi nghe ông kể mà ứa nước mắt. Theo nguyện vọng của các thân nhân gia đình liệt sĩ và các CCB đề nghị xây Bia tưởng niệm cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên căn cứ Cồn Tiên, Lê Văn Chớ và các CCB gửi cho các cơ quan liên quan xin danh sách để ghi tên trên Bia tưởng niệm, nhưng hiện tại mới chỉ xác minh được 39 liệt sĩ có danh tính. Số liệt sĩ tìm được nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán và số liệt sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa vẫn nằm đâu đó giữa đại ngàn, khiến ông Chớ luôn day dứt, đau đáu.

Đêm, ông nằm suy nghĩ về 13 liệt sĩ, trong đó có 1 liệt sĩ hy sinh ngày 18-3-1970 tại chân phía tây bắc đồi Gấu, thuộc huyện Hải Lăng; mộ tập thể 6 liệt sĩ hy sinh ngày 18-5-1970 tại cao điểm 440 (động Chiêm Giòng), tây Hải Lăng và 6 liệt sĩ hy sinh ngày 18-8-1970 tại Dốc Miếu (động Ba Lê) thuộc c20/e812/f324. Ông đã chiến đấu và chỉ huy chiến đấu tại cao điểm Chiêm Giòng, bị thương nặng và được cho là đã hy sinh cùng 9 chiến sĩ nữa. Đồng đội đào huyệt mộ cho ông trên đỉnh Chiêm Dòng, gói 10 thi thể vào 10 túi ni-lon chuẩn bị chôn cất. Nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau khi chôn cất 9 thi hài, mọi người phát hiện chiếc túi ni-lon thứ 10 bọc Lê Văn Chớ còn phập phồng, thoi thóp. Ngay lập tức, ông được đưa ra khỏi quan tài và chuyển về hầm phẫu thuật trạm quân y dã chiến. Bây giờ, ông còn đây nhưng những đồng đội được chôn ngày ấy vẫn không tìm thấy mộ. Chính Lê Văn Chớ cùng các CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ biết bao lần trở lại chiến trường xưa để tìm các anh nhưng vẫn vô vọng. Bom đạn cày xéo, địa hình thay đổi khiến các anh hết lần này lượt khác trở về tay không.

Trăn trở lớn nhất của CCB Lê Văn Chớ hiện nay chính là việc đề nghị Đảng và Nhà nước công nhận liệt sĩ cho đồng chí Nông Văn Lài. Nông Văn Lài là Trưởng xe tăng Đại đội 1, Tiểu đoàn 397, Trung đoàn 203, hy sinh ngày 24-4-1972 trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ông hy sinh tại cầu Bến Đá, xã Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị. Là một người lính gan dạ, dũng cảm, nhưng đồng chí Nông Văn Lài hy sinh trong hoàn cảnh khi đơn vị phải nhịn đói nhiều ngày trên đường truy kích địch, phải ném cá để cải thiện cuộc sống và phục vụ cho chiến đấu, không may mà bị chết. Chính Bác Hồ ta cũng từng nói: Giặc đói, giặc dốt cũng nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Vậy mà, 50 năm đã trôi qua, trải qua nhiều năm đối thoại giữa gia đình và CCB với các cơ quan chức năng, đồng chí Nông Văn Lài vẫn không được công nhận là liệt sĩ.

Dấu chân của ông cùng các CCB đã in khắp 72 nghĩa trang trên mảnh đất thiêng Quảng Trị và những nơi họ từng chiến đấu để kiếm tìm đồng đội. Gần 1.300 nấm mộ và hài cốt liệt sĩ được ông và đồng đội tìm kiếm, quy tập về các nghĩa trang trong những năm qua là chừng ấy niềm hạnh phúc trong lòng họ và những người thân liệt sĩ. Nhưng vẫn còn hàng nghìn, hàng nghìn đồng đội nữa đang là liệt sĩ vô danh. Điều đó vẫn luôn thôi thúc CCB Lê Văn Chớ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt của đồng đội bằng chính ngọn lửa của trái tim mình. Bởi theo CCB Lê Văn Chớ: “Có lẽ, những người đồng đội của tôi trước khi về với đất đã nhường lại cho tôi chút hơi ấm cuối cùng. Tôi có sống thêm bao nhiêu cuộc đời cũng không thể trả hết món nợ này”.

Nguyễn Hằng