“Nỗi lo Trump” tràn ngập thế giới
Trong các bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ “xé tan” các hiệp định thương mại-bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do những hiệp định này “khiến công ăn việc làm ở Mỹ bị đẩy ra nước ngoài”. Chính thông điệp phản đối thương mại và cam kết chặn làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico đã giúp ông Trump có sự ủng hộ lớn từ cử tri trong trong các ngành công nghiệp Mỹ, khiến ông có kết quả bỏ phiếu thuận lợi.
Thực tế, Chính phủ Mỹ đương nhiệm gần như đã ngừng các hoạt động xúc tiến việc thông qua TPP trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống. Hôm 15-11, Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, việc thông qua giờ phụ thuộc vào lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội. USTR đã vận động các nghị sĩ Mỹ nhiều tháng qua để thông qua TPP trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Donald Trump và việc đảng Cộng hòa giữ đa số ghế trong cả Thượng viện và Hạ viện đã cản trở kế hoạch này. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện-Mitch McConnell cũng cho biết sẽ không bàn đến TPP trong vài tuần đầu, sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Chủ tịch Hạ viện-Paul Ryan thì khẳng định sẽ không tổ chức bỏ phiếu trong giai đoạn này, và số phận của Hiệp định giờ phụ thuộc vào ông Trump.
Quá lo ngại trước số phận TPP, chỉ 24 giờ sau khi ông Trump giành chiến thắng, ngày 10-11, Hạ viện Nhật Bản đã phê chuẩn TPP với hy vọng sẽ có tiếng nói nào đó đối với Mỹ trong vấn đề này. Trước khi đến Peru tham dự Hội nghị APEC, Thủ tướng Nhật Bản-Shinzo Abe đã tranh thủ ghé qua New York để gặp Tổng thống đắc cử Trump. Ông Shinzo Abe lo âu vì trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần nói rằng nước Nhật đã được Mỹ bảo vệ quá nhiều mà không tốn một xu. Thủ tướng Nhật lo ngại Tổng thống mới của Mỹ sẽ xét lại hiệp định an ninh chung Mỹ-Nhật hoặc thậm chí giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, mà kẻ thủ lợi sẽ là Trung Quốc.
Không chỉ người Nhật bứt rứt. Chưa đầy một tuần sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 13-11, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã tề tựu về Brussels tham gia một cuộc họp bất thường, nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy “quan hệ đối tác thật sự mạnh” với chính quyền Mỹ sắp tới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố Mỹ sẽ chỉ giúp các quốc gia NATO “đóng góp một cách công bằng”. “Tôi muốn giữ NATO, nhưng tôi muốn họ phải bỏ tiền ra, tôi không muốn bị lợi dụng... Chúng ta đang bảo vệ những quốc gia mà hầu hết mọi người trong căn phòng này chưa bao giờ nghe đến...” - ông Trump toạc móng heo.
Có thể hiểu cho ông Trump. Nước Mỹ cũng đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ-vào khoảng 19,8 nghìn tỷ USD. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến một ông trùm kinh doanh như ông Trump cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia thành viên còn lại bỏ ra số tiền đúng theo quy định 2% (năm 2015, chỉ có 5 nước đạt mức này là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ, trong đó Mỹ hiện chi trả gần 70% chi tiêu của NATO). Rõ ràng việc ông Trump kêu gọi châu Âu phải chi nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng dường như là một yêu cầu khó khăn, đặc biệt trong thời điểm các quốc gia này đang thắt chặt ngân sách.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lo lắng: Châu Âu sẽ phải làm gì với nước Mỹ dưới thời ông Trump? NATO sẽ hoạt động như thế nào trong một châu Âu tự lực? Còn Tổng Thư ký NATO-Jens Stoltenberg cảnh báo ông chủ mới của Nhà Trắng rằng “đi riêng một mình” không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu lẫn Mỹ, nhưng cũng thừa nhận rằng “chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về an ninh trong một thế hệ”.
Các quan chức NATO cũng lo ngại ông Trump sẽ quan tâm tới Nga hơn là bảo vệ các mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ với các nước châu Âu. Mặc dù ở vị trí Tổng thống, ông Trump khó có thể tháo bỏ mối quan hệ Mỹ - NATO nhưng đó sẽ là lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, một Tổng thống Mỹ dám đề xuất quan điểm sẽ thay đổi quan hệ liên minh cốt lõi của Mỹ.
Hãy còn sớm để nói về những điều ông Trump sẽ làm khi chính thức nhận bàn giao chiếc ghế tổng thống. Tuy nhiên, khác với chính sách ngoại giao truyền thống-khi nước Mỹ tham gia hoạt động trong tất cả vấn đề trên toàn cầu, thì dường như nhà tỷ phú này đưa ra cách tiếp cận theo chủ nghĩa biệt lập, tức ông chỉ tập trung vào các vấn đề của nước Mỹ.
Đăng Song