Nỗi lo thực phẩm bẩn
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu, hàng ngày của mỗi người nên thực phẩm bẩn (gồm các loại hóa chất, các loại vi trùng độc hại đi theo thức ăn, nước uống) hiện đang là “con đường gần nhất” tác động đến sức khỏe và sinh mạng con người, đặc biệt là thực phẩm bẩn là tác nhân lớn gây nên bệnh ung thư, chiếm tỷ lệ 35%. Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, ước tính vào năm 2020, số mắc mới về ung thư sẽ là gần 200.000 ca, đưa Việt Nam vào danh sách những nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Ngoài ra, thực phẩm bẩn cũng là nguyên nhân gây nên hơn 400 căn bệnh, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực tràng, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm… Nỗi lo thực phẩm bẩn càng tăng, khi mới đây, hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phanh phui. Theo Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, đơn vị kiểm tra 50 mẫu thịt lợn trên thị trường thì phát hiện 8 mẫu dương tính với chất Salbutamon, tương đương 16%. Đối với rau củ, tuy chúng ta đã tiến hành khá rầm rộ công tác tuyên truyền vận động, kể cả thực hiện nhiều biện pháp hành chính, kiểm tra xử lý ngăn chặn nhưng trên thực tế, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau củ vẫn rất lớn, bà con nông dân tại rất nhiều địa phương vẫn thường xuyên dùng các loại thuốc diệt sâu độc hại quá liều lượng, không đủ thời gian thuốc phân rã đã thu hoạch và đem bán ra thị trường. Trong tháng 2, Chi cục bảo vệ thực vật TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 49 mẫu ở các chợ đầu mối thì phát hiện 3 mẫu tồn dư chất Chlorpyrifos vượt mức cho phép nhiều lần. Không chỉ ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh mà hầu như ở tất cả các địa phương đều thường xuyên diễn ra tình trạng này.
Phòng chống nhiều, nhưng thực tế, các loại rau bẩn, thịt bẩn vẫn “vô tư” đi vào dạ dày mỗi người. Đấy là chưa kể, điều khiến dư luận bức xúc thời gian qua về chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm có hơn 32.000 tấn thủy hải sản xuất khẩu “bẩn” bị nước ngoài trả về do nhiều nguyên nhân (dư lượng thuốc kháng sinh, vi khuẩn…) lại được tiêu thụ hết ở thị trường trong nước, đưa vào các siêu thị và trở thành “hàng xuất khẩu thừa” chứ không còn là “hàng xuất khẩu bẩn” để lừa bán cho người tiêu dùng với giá có khi lại còn cao hơn cả giá xuất khẩu. Tình trạng hàng xuất bẩn bị trả về diễn ra nhiều năm qua, nhưng thực tế, đến nay các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp xuất khẩu chưa một lần công bố trước bàn dân thiên hạ là đã tiêu hủy, dù chỉ một công-ten-nơ hàng bẩn. Có nghĩa là tất cả 32.000 tấn hàng này đã và đang chui vào dạ dày người tiêu thụ, doanh nghiệp trút tất cả hậu quả vào người dân để “cắt lỗ”. Điều này thì các cơ quan quản lý chức năng không thể không biết nhưng vì sao nó vẫn cứ diễn ra, vì quản lý chồng chéo nên không biết, vì tắc trách sợ trách nhiệm hay vì những nguyên nhân nào khác. Vậy nên, nói về thực phẩm bẩn, không chỉ có người sản xuất gian dối mà trách nhiệm, suy cho cùng cũng có phần của các cơ quan chức năng.
Hơn lúc nào hết, vấn đề bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là yêu cầu cấp bách, chúng ta cần làm tất cả vì mục tiêu này, đừng để người dân lúc nào cũng lo ngay ngáy chuyện thực phẩm bẩn. Và mỗi người, lại nên là “người tiêu dùng thông thái”. Chúng ta đã nói nhiều, làm cũng nhiều nhưng bây giờ lại cần nhiều hơn.
Thanh Huyền