Nỗi lo mang tên Trump

Trong diễn văn nhậm chức ngắn nhất của các đời Tổng thống Mỹ (kể từ năm 1979) chỉ với 1.453 từ, tân Tổng thống Mỹ-Donald Trump đã sử dụng đến 35 lần các biến thể từ “nước Mỹ”. Nêu bật nước Mỹ suy yếu là do “cuộc chơi kẻ được người thua”, trong đó, phần còn lại của thế giới hưởng lợi trong khi Mỹ bị thiệt hại, ông Trump hứa xem xét lại mọi cam kết an ninh và thương mại mà Washington từng ký kết. Ngồi chưa nóng chỗ trong Nhà Trắng, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh bãi bỏ hay thay đổi những thành quả chủ yếu suốt hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Obama, đồng thời hướng tới xây bức tường cả hữu hình và vô hình quanh nước Mỹ. Những động thái này của ông Trump đang khiến nhiều nước trên thế giới lo lắng. Trước hết là những nước vốn quen được Washington bảo hộ hay hi vọng được “sống tốt” khi xích lại gần nước Mỹ.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), ông Trump lên tiếng ủng hộ cuộc bỏ phiếu rời EU của Anh. Ông cũng nhiều lần dự báo EU sẽ sớm tan rã, đồng thời không ngần ngại tuyên bố khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời”. Do vậy, không ngạc nhiên khi trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên trong năm nay tại Malta, các nhà lãnh đạo EU đã chỉ trích gay gắt chính quyền mới của Mỹ. Bằng ngôn ngữ xấc xược của một “chú em” quen được chiều chuộng nhưng nay bị phật ý, Chủ tịch EU-Donald Tusk nói rằng, các chính sách của Tổng thống Trump gây ra “mối đe dọa” tiềm năng cho khối, bên cạnh các cuộc tấn công thánh chiến và làn sóng chủ nghĩa dân túy. Còn Tổng thống Pháp-Francois Hollande kêu gọi “Chống lại chủ nghĩa bảo hộ và hướng tới một thế giới toàn cầu hóa với những chuẩn mực thương mại chung được thiết lập giữa các quốc gia và các vùng”. Như vậy, vô hình trung Washington đã trở thành kẻ thù của Brussels.
Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực trung tâm của các cuộc vận động quyền lực quan trọng từ thời kỳ thuộc địa qua “Chiến tranh Lạnh” cho đến hôm nay, cũng không thể an tâm. Nỗi lo đầu tiên, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đe dọa làm tiêu tan hy vọng thỏa thuận thương mại tự do chất lượng cao này sẽ mang lại sức sống mới cho 11 nền kinh tế thành viên cũng như cả khu vực. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Mỹ chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ nơi đây sang Mỹ. Chưa kể, các công ty Mỹ trước sức ép của chính quyền hoàn toàn có thể theo chân những tập đoàn lớn như Ford, General Motors hay Carrier đưa việc làm trở về Mỹ và cắt giảm các khoản đầu tư mới ở châu Á. Thứ hai, thông điệp chống đối ngày càng tăng mà ông Trump gửi đến Trung Quốc; việc ông sẵn sàng xem lại chính sách “Một Trung Quốc”; xu hướng giảm bớt cam kết đồng minh và can dự quốc tế một mặt sẽ kích thích, mặt khác sẽ tạo khoảng trống quyền lực để Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thật khó để tin rằng những lời nói và việc làm mang đậm tính bảo thủ và hướng nội lại được phát ra từ người lãnh đạo một quốc gia luôn cổ súy cho “chủ nghĩa tự do”, “chủ nghĩa thị trường”, “toàn cầu hóa”. Tuy nhiên, còn sớm để đánh giá đầy đủ và đúng thực chất cũng như hệ quả chính sách của chính quyền Trump. Giới truyền thông nhận định: dưới thời Tổng thống Trump, các chính sách của Washington sẽ không thể đoán trước-giống như các chương trình truyền hình thực tế của ông Trump. Hơn nữa, ở nước Mỹ, mọi chuyện đều có thể xảy ra khi luôn tồn tại xu hướng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các nhánh chính quyền trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Ngoài ra, nói gì thì nói, khi quyết định rút khỏi hoặc xem xét lại các cam kết của Mỹ, chắc chắn ông Trump không thể không cân nhắc đến cái giá phải trả về chiến lược và chính trị. Những mối liên minh truyền thống của nước Mỹ với NATO hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.. sẽ không thể dễ dàng loại bỏ như cách ông Trump tuyên bố. Bởi mục tiêu tối thượng của tất cả các đời Tổng thống Mỹ luôn là củng cố và nâng cao vai trò chi phối của nước Mỹ trong trật tự quốc tế. Bởi những thách thức khách quan đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ là Trung Quốc và Nga vẫn còn tồn tại.
Cuối cùng, khi ông Trump hô hào: “Chúng ta sẽ tìm kiếm quan hệ hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới, nhưng chúng ta sẽ làm điều đó với tâm niệm rằng tất cả các nước đều có quyền đặt lợi ích bản thân lên trên hết”, điều này lại tạo những cơ hội mới cho các nước khác-nếu biết cách điều chỉnh các mối quan hệ và thực thi một đường lối hội nhập độc lập, tự chủ.
Đăng Song