Nơi hội tụ những chiến binh làm kinh tế giỏi
Doanh nhân CCB, thương binh Nguyễn Ngọc Sáu (bên phải) kiểm tra sản xuất gạch tại Công ty.
Sau 2 năm thành lập, CLB CCB sản xuất kinh doanh giúp nhau phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam trở thành “ngôi nhà chung” của những doanh nhân làm kinh tế giỏi.
Một trong những “ngọn cờ” là CCB Huỳnh Văn Bình. Ngoài 60 tuổi, ông Bình có cơ ngơi bạc tỷ. Để có thành quả này, ít ai biết được những năm tháng vất vả, cơ hàn của người lính trở về từ chiến trường. Ban đầu, ông trồng lúa, trồng sắn, kinh tế hết sức bấp bênh. Từ chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, ông nhận giao khoán 15ha rừng, đầu tư trồng keo nhưng cây keo vốn dài ngày, ông đã chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài.
Năm 2016, ông Bình mạnh dạn vay mượn đầu tư 700 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 500m2 và mua con giống khởi nghiệp. Ông kể: “Nhờ đầu tư con giống tốt, đạt chuẩn, chú trọng kỹ thuật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh đúng nên các lứa heo trong suốt 5 năm qua đều thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, tôi nuôi 22 con heo nái ngoại sinh sản, chỉ gần 5 năm, tôi xuất chuồng hơn 200 tấn heo thịt, mang lại thu nhập cho gia đình hàng tỷ đồng”.
Hiện ông là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tam Trà, ông giúp đỡ 3 hội viên CCB trong xã về kinh nghiệm, con giống và nhân rộng 6 mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã.
Với thương binh hạng 3/4 - Nguyễn Ngọc Sáu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, sau nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, tài sản ông có được là ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông vượt qua rào cản sức khỏe, mạnh dạn đầu tư mở cơ sở mộc chuyên sản xuất đồ gia dụng. Năm 2006, ngành gỗ khó khăn, ông đầu tư thành lập Công ty TNHH gạch tuynel Gia Phú, chuyên sản xuất gạch nung cung ứng cho thị trường. Tính riêng năm 2021, tổng doanh thu của Công ty đạt 9 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý khoảng 90% lao động là con em hội viên CCB. Hiện tại, Công ty cung cấp cho thị trường 40.000 viên gạch/ngày.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, doanh nhân CCB Nguyễn Ngọc Sáu còn tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế hộ; hỗ trợ hội viên CCB cho vay không lãi 30-50 triệu đồng; xây dựng 4 nhà “Nghĩa tình đồng đội” với số tiền hơn 200 triệu đồng; tặng hàng trăm suất quà cho CCB gặp khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội; đóng góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại địa phương; trao suất ăn miễn phí tại bệnh viện...
Hiện nay, toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 15 HTX, 25 tổ hợp tác, 133 trang trại, 456 gia trại và 625 hộ kinh doanh - dịch vụ do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho gần 5.400 lao động địa phương. Nhưng CLB chỉ có 46 thành viên (chiếm tỷ lệ nhỏ so với chủ các mô hình trên địa bàn tỉnh) với 4 Phó chủ nhiệm CLB là chủ doanh nghiệp nòng cốt ở 4 địa phương: Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc. Thời gian tới, CLB cần ổn định tổ chức; đẩy mạnh phát triển thành viên; hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế.
Theo đồng chí Bùi Văn Trí - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Nam, Chủ nhiệm CLB CCB sản xuất kinh doanh giúp nhau phát triển kinh tế tỉnh: “CLB ra đời là cơ hội để các thành viên học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật… nhất là với các mô hình tổ hợp tác, trang trại, gia trại nhỏ. Các thành viên của CLB là lực lượng nòng cốt của phong trào CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào đã và đang lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời, đây cũng là lực lượng tiên phong trong hoạt động an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho CCB và con em CCB, góp phần xây dựng quê hương xứ Quảng giàu mạnh”.
Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để CLB phát triển thêm hội viên, chú trọng các CCB là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia CLB; tham quan, học tập các mô hình hiệu quả tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước mắt, Ban Chủ nhiệm sẽ chuẩn bị chu đáo để tổ chức thành công Đại hội lần thứ I của CLB.
Vũ Minh