Nỗi đau từ lòng đất (12/04/2012)
Từ đường quốc lộ nhìn qua một cánh đồng thì thôn Phú Hạ, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi như một vệt màu xanh sẫm, đó là những tán cây ăn quả, bờ tre, cây gạo, cây dừa. Thấp thoáng trong đó có mái ngói đỏ tươi, gợi lên cảnh thanh bình quen thuộc của các miền quê. Nhưng người dân nơi đây vẫn còn những nỗi đau và bất hạnh từ lòng đất mang lại. Một trong những nạn nhân ấy là anh Võ Đức Quốc (ảnh). Chàng trai hiền lành, chịu thương chịu khó bỗng chốc trở thành tàn phế.
Sau ba năm làm nghĩa vụ quân sự, năm 1985 anh Võ Đức Quốc, trở về quê trong niềm vui đoàn tụ của gia đình. Với dáng người to khỏe, lại được rèn luyện trong quân đội, ai cũng nghĩ anh sẽ là lao động chính, một công dân tích cực xây dựng quê hương, rồi lấy vợ sinh con nối dõi tông đường. Năm 1986, từ ước mơ, hy vọng ấy, anh cùng mẹ và em hăm hở san nền để làm nhà mới; không may cuốc trúng phải một quả đạn lẫn trong đống gốc tre khiến người em trai chết tại chỗ, mẹ anh bị thương, bản thân anh Quốc cụt chân phải đến hết gối và 5 ngón bàn tay phải, hỏng mắt phải. Đau đớn hơn là có mảnh xuyên vào đầu khiến anh bị thần kinh, không làm chủ được hành vi của mình. Để an toàn cho mọi người, 26 năm nay, anh phải sống riêng trong một căn phòng nhỏ phía sau nhà, không được ra đường.
Cụ Hồ Thị Chình (mẹ của anh Quốc), 85 tuổi, nói trong nước mắt: Đẻ ra tôi chăm nó. Lớn lên đi bộ đội, trở về năm trước năm sau bị nạn, tôi lại chăm nó. Nó chưa chăm tôi được ngày nào, sao tôi lại khổ như vậy chứ. Anh Võ Thanh Vân, 56 tuổi (anh trai của Quốc), nguyên là Chủ tịch xã cho biết: Bình Chương có nhiều vụ khi lao động sản xuất đào phải bom, mìn khiến người chết, người bị thương, ngang trái lắm. Xã có chủ trương hỗ trợ nạn nhân, như chú Quốc là hưởng bảo trợ xã hội, mỗi tháng 180.000 đồng. Vất vả nhất là chăm sóc, lo miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, trò chuyện. Mấy anh em tôi phải thay nhau giúp mẹ. Bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh vẫn là hiểm họa khó lường. Ước gì đất đai không còn ô nhiễm, cho nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Người em gái của Quốc lấy chồng gần đó, thấy có khách tới thăm anh cũng vội vã chạy về. Tay pha trà, miệng trò chuyện mà nước mắt rơi lã chã trước nỗi đau từ lòng đất.
Bài và ảnh: An Hà