Nọc kiến ba khoang độc hơn rắn hổ (06/11/2012)

Vài tháng nay kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu chung cư tại Huế, TP HCM và Hà Nội. Khi tiếp xúc với loài côn trùng này, da của nhiều người bị tổn thương, ban đầu rát bỏng, sau đó là đau nhức nếu bị nhiễm trùng.

Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, "kiến ba khoang" là cách gọi thông dụng của người dân vì nó có hình dạng giống loài kiến (kiến thuộc bộ cánh màng). Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng).

Loài côn trùng này có ba khoang trên thân gồm: màu đen - đỏ hoặc vàng nhạt - đen, dài khoảng 5-7 mm. Kiến ba khoang thường bay vào nơi có ánh sáng xanh.

Tuy nhiên, ông Lam lưu ý, trên bụng của loài này có hai tuyến độc chứa chất pederin. Theo tài liệu nước ngoài, pederin gấp độc 10 lần độc tố của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc với nọc kiến nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người.

Khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tự tiết ra chất độc để phòng vệ. Chất độc thấm vào da người sẽ gây ra bỏng rộp, tiếp xúc ở mắt gây bỏng mắt hoặc mù tạm thời. Ngoài ra trên kiến ba khoang còn có một số vi khuẩn cộng sinh sống và tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc.

Quỳnh Anh (TH)