Nợ trước sáp nhập
Trong khi nhiều địa phương đang gấp rút thực hiện kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện thì một hiện tượng “khó nói” lại đang xuất hiện ở không ít nơi khi chính quyền cấp cơ sở bất ngờ trở thành “con nợ” bị doanh nghiệp, người dân ráo riết đòi thanh toán trước “giờ G”. Những khoản nợ kéo dài, từng bị “làm ngơ” bỗng được khui ra một cách dồn dập, thậm chí trở thành áp lực công khai cho bộ máy đang chờ... sáp nhập, giải thể. Thật đáng hổ thẹn cho những món “nợ” ăn uống, tiếp khách của cơ quan...
Trước đó, đã có tình trạng doanh nghiệp “vây” trụ sở chính quyền để đòi khoản nợ xây dựng trường học, đường liên thôn, nhà văn hóa... thực hiện từ vài năm trước; nhiều khoản chi từng được “thỏa thuận miệng” hoặc ký hợp đồng đơn giản, thiếu hồ sơ đầy đủ; có nơi, người dân căng băng rôn trước trụ sở chính quyền vì khoản đền bù “treo” suốt nhiều năm, đòi bồi thường đất đai, đền bù hoa màu - những chính sách đã ban hành nhưng chưa được triển khai, hoặc triển khai dang dở...
Không ít địa phương, lãnh đạo xã, huyện phải tổ chức họp “chạy nước rút” để xử lý công nợ vì lo “sáp nhập hoặc giải thể xong, không ai chịu trách nhiệm”. Đây không chỉ là vấn đề về tiền bạc hay thủ tục hành chính. Đằng sau đó là câu chuyện về trách nhiệm công quyền, về lòng tin của người dân vào sự liêm chính, minh bạch của bộ máy công quyền.
Câu hỏi đang đặt ra với các địa phương này là ai phải chịu trách nhiệm pháp lý với các khoản “nợ” cam kết trước đó? Có phải cứ giải thể là “trách nhiệm biến mất”? Có hay không tình trạng cán bộ “tạm ứng lòng tin” của người dân, doanh nghiệp rồi... để lại gánh nặng cho bộ máy kế nhiệm?
Không khó để hình dung những hệ lụy nếu chính quyền địa phương chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ trước khi giải thể hoặc hợp nhất. Người dân lo mất quyền lợi; doanh nghiệp lo mất trắng khoản đầu tư, nhất là các hợp đồng “miệng”, hợp đồng không qua đấu thầu, thiếu hồ sơ gốc. Chính quyền mới sau sáp nhập thì e ngại “ôm rác” từ đơn vị cũ.
Một điều đáng lo hơn là tình trạng nợ nần này không chỉ là câu chuyện tiền bạc, mà là hệ quả của việc buông lỏng quản lý tài chính công, “làm trước - hợp thức sau”, thậm chí là có dấu hiệu tiêu cực, móc ngoặc giữa cán bộ xã - huyện với một số doanh nghiệp “sân sau”, đặc biệt, “hễ cứ đụng tí là bày vẽ ăn nhậu’, tiếp khách bừa bãi không theo quy định, để rồi “vướng nợ”. Đến khi sáp nhập, bộ máy cũ bị giải thể, cán bộ cũ chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, thì việc truy trách nhiệm trở nên khó khăn hơn, tạo ra “vùng trũng kỷ cương” trong quản lý.
Nếu sáp nhập, giải thể là quá trình tái cấu trúc để bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực hơn, thì mọi khoản nợ dân, nợ doanh nghiệp cũng cần phải xử lý rốt ráo, rõ ràng và minh bạch trước khi bàn giao. Không thể dùng việc “đang chờ chuyển giao tổ chức” làm lý do để trì hoãn trách nhiệm tài chính công. Và càng không thể biến cuộc sáp nhập, giải thể thành cái cớ để hợp thức hóa những sai phạm trong quản lý đầu tư, chi tiêu, bồi thường - vốn là “ẩn số” ở không ít cấp xã, huyện hiện nay.
Sự chần chừ, né tránh trách nhiệm - dù chỉ trong thời gian ngắn chuyển tiếp cũng đủ để tạo ra tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp đang bị chính quyền “mắc nợ”. Họ sẽ đặt câu hỏi: Vậy công quyền có còn là chỗ dựa pháp lý đáng tin cậy? Sự cam kết của chính quyền có còn giá trị khi cơ cấu thay đổi? Và liệu chính quyền mới có dám gánh trách nhiệm cũ?
Chính vì thế, đông đảo các CCB và người dân mong muốn cần giải quyết dứt điểm - trước khi niềm tin bị hao mòn, khẩn trương rà soát toàn bộ công nợ cấp xã, huyện chuẩn bị sáp nhập, giải thể: Không để tồn đọng những khoản nợ không rõ nguồn gốc, thiếu hồ sơ, dễ bị lãng quên. Cần lập danh mục minh bạch, phân loại rõ ràng, báo cáo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các địa phương. Với các khoản nợ phát sinh do vi phạm quy trình, sai phạm đấu thầu, hay cố ý làm trái, phải truy cứu trách nhiệm, không để “hòa cả làng” rồi cho qua vì lý do... hết nhiệm kỳ.
Người dân có quyền được biết - chính quyền nào nợ họ, nợ bao nhiêu, bao giờ trả. Đây không chỉ là công bằng tài chính, mà còn là công bằng niềm tin.
Không thể để người dân phải “tranh thủ đòi nợ” trước khi chính quyền cũ giải thể, sáp nhập. Càng không thể để chính quyền mới trở thành “nơi tiếp nhận sai phạm”. Cán bộ công quyền, dù chỉ còn một ngày công tác, cũng phải làm việc với tinh thần “vì dân, vì nước”, chứ không thể “phó mặc” cho bộ máy kế nhiệm.
Sáp nhập đơn vị hành chính là xu thế tất yếu để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả vận hành. Nhưng nếu không đi kèm với xử lý dứt điểm các “di sản” tồn đọng cũ, thì đó sẽ là một bước chuyển nửa vời - thậm chí tạo ra các “điểm nghẽn lòng tin” ngay từ cấp cơ sở.
Khắc Trường