Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh
Họp báo nhằm cung cấp thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam do Bộ LĐTBXH phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) tổ chức cho biết: “Hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu héc-ta. Năm 2022, toàn quốc đã khảo sát được diện tích hơn 35.000ha, rà phá bom mìn được trên 27.000ha”.
Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện cả nước có hơn 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine.
VNMAC đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn, tuyên truyền về thực trạng và hậu quả nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại Lạng Sơn và Tây Ninh đạt hiệu quả tốt; phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hỗ trợ 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống... Năm 2023, VNMAC tiến hành thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025-2045 định hướng đến 2050. Xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước và quốc tế
Bộ LĐTBXH đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản, trong đó có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, như: Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 753/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW...
Đến nay, hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được củng cố và phát triển từ T.Ư đến địa phương với 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến T.Ư và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt người bệnh mãn tính, người bệnh bị các chấn thương cấp tính, sau phẫu thuật.
Thanh Bình