Nỗ lực bất thành
Người dân ở Dải Gaza đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo ngay cả khi Israel chưa đưa lực lượng bộ binh vào khu vực này.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo với sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo Arab và phương Tây, đã kết thúc hôm 21-10 vừa qua mà không thể tìm ra được chìa khóa mở cửa thoát hiểm cho cuộc xung đột ngày một leo thang trầm trọng giữa Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine. Đây là nỗ lực bất thành không chỉ của các quốc gia Trung Đông mà còn là thất bại của trật tự toàn cầu trước một thảm cảnh nhân đạo mà người Palestine tiếp tục phải gánh chịu trước họng súng của quân đội Israel.
Được tổ chức tại Ai Cập, láng giềng của Palestine đồng thời là nước có cửa khẩu duy nhất thông với Dải Gaza mà không phong tỏa, nên Tổng thống Ai Cập - Abdel Fattah El-Sisi là người mạnh mẽ nhất kêu gọi giảm leo thang xung đột ở Gaza, theo đuổi lệnh ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp cho xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine thông qua “giải pháp hai nhà nước”.
“Giải pháp hai nhà nước” mà nhiều bên thường nhắc tới cho cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay cũng như giữa Israel với Palestine trong nhiều năm qua thực ra là được Liên Hợp quốc nêu ra từ năm 1948 với mong muốn hình thành một nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại với nhà nước Israel. Vậy nên, khi chính bản thân cái gọi là “giải pháp” này không giúp vãn hồi hòa bình thì tự nó còn là lý do cho các cuộc tranh giành, xung đột có lúc âm ỉ, có lúc bùng lên cao như đợt tấn công hai tuần trước của Hamas vào lãnh thổ Israel.
Có thể nói, “Giải pháp hai nhà nước” là ước mơ xa vời của những ai mong ước cho một nền hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, điều cần ngay trước mắt là ngăn chặn bạo lực và một thảm họa nhân đạo vô cùng trầm trọng đang diễn ra ở Gaza. Có thể tóm tắt diễn biễn ở Gaza hiện nay như sau: Sau khi Hamas bất ngờ tấn công hàng loạt địa điểm ở Israel khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin, Israel đã mở các đợt không kích làm hơn 5.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương. Israel đã cắt điện, nước và phong tỏa các nỗ lực viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở khu vực này. Cửa khẩu Rafah liên kết Ai Cập với Gaza đã được mở để Ai Cập cung cấp viện trợ cho người Palestine sau Hội nghị thượng đỉnh ở Cairo hôm 21-10. Thế nhưng, sau lượt thứ nhất gồm 20 xe tải của Ai Cập đi qua thành công thì lượt thứ 2 gồm 17 xe đã không thể qua được vì Israel đã nã pháo cản trở. Nhu cầu tiếp tế cho người dân ở Gaza ước tính khoảng 100 xe tải mỗi ngày.
Điều đáng quan ngại hơn là Israel đang duy trì sức ép để buộc người Palestine rời khỏi Dải Gaza nhưng không biết đẩy họ tới vùng đất nào, quốc gia nào. Lo ngại là ở chỗ lịch sử sẽ lặp lại khi năm 2014 Israel cũng từng ra lệnh cho người dân thường Palestine rời khỏi một số khu vực ở Gaza nếu không sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Israel. Nhà nước Do Thái đang lý giải các luật chiến tranh theo cách có lợi cho mình trong khi phớt lờ luật nhân đạo bằng cách ép bằng được người Palestine rời khỏi nơi họ cư trú hàng chục năm qua nếu không sẽ bị tiêu diệt bằng súng đạn. Việc này đã có tiền lệ và Israel cũng đã tuyên bố công khai rằng các cuộc không kích của họ là nhằm mở đường cho bộ binh tiến vào Gaza trong những ngày tới. Khi đó, một cuộc thảm sát ắt sẽ diễn ra bởi người Palestine không còn nơi nào để đi. Ai Cập là nước duy nhất họ có thể đến thì lại không thể một mình đảm đương sứ mệnh nhân đạo quá lớn trong khi tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền hiện nay của Tổng thống El-Sisi cũng chẳng ưa gì Hamas bởi Hamas có sự liên hệ với phong trào Anh em Hồi giáo của cựu Tổng thống Mohamed Morsi của Ai Cập bị ông El-Sisi lật đổ năm 2013. Trong 10 năm qua, phong trào Anh em Hồi giáo chịu sự trấn áp từ chính quyền Ai Cập.
Ngăn một thảm cảnh nhân đạo hiện hữu với người Palestine ở Dải Gaza là việc mà công động quốc tế cần phải làm ngay lập tức dù rằng nỗ lực ngăn chặn chiến tranh đã bất thành. Hơn lúc nào hết, một thế giới văn minh phải chứng tỏ việc tôn trọng luật lệ quốc tế và đề cao phẩm giá của con người.
Thanh Huyền