Niềm vui từ mỏ sắt Thạch Khê (02/09/2011)

PV*:* Thưa ông, Chủ trương của Đảng và Chính phủ cho phép Công ty CP mỏ sắt Thạch Khê được khai thác quặng sắt tại Thạch Khê đang được dư luận quan tâm, với tư cách là TGĐ Công ty xin ông cho biết về quá trình triển khai, khai thác được thực hiện như thế nào?

TGĐ Hồ Đức Bình: Nói đến Mỏ sắt Thạch Khê, đây là niềm tự hào của doanh nghiệp. Mỏ được đánh giá có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn/năm và tăng lên trong những năm tiếp theo. Các nhà nghiên cứu cho biết, mỏ có trữ lượng rất lớn nhưng để tiến hành khai thác được cũng rất là khó. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí địa lý: Mỏ nằm cách Thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, cách bờ biển Đông 1,6km và cách cảng Vũng Áng 66km nên rất thuận lợi cho phát triển khai thác và chế biến quặng sắt.

Ngày 17-5-2007, đáp ứng nhu cầu thị trường sắt thép trong nước, Chính phủ đã quyết định cho phép khai thác quặng sắt ở mỏ Thạch Khê và cho thành lập Cty CP Sắt Thạch Khê, ban đầu có 9 cổ đông sáng lập; Tổng số vốn đầu tư là 2.400 tỷ đồng.

Ngày 8-9-2009, Cty sắt đã tổ chức Lễ triển khai thực hiện gói thầu bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh với khối lượng 13 triệu m3 trong thời gian thi công là 17 tháng, độ sâu dưới. Bên cạnh đó, Chính phủ giao cho Cty CP Sắt Thạch Khê chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm ở cảng Vũng Áng (có xem xét nâng công suất lên 4 triệu tấn/năm) và sử dụng tối đa quặng sắt mỏ Thạch Khê. Theo thiết kế, tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,1 tỷ USD; CBCN nhà máy khoảng 2.800 người. Đến nay, 5 đơn vị liên doanh nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo, Xí nghiệp khai thác Mỏ - TIC của Cty CP Sắt Thạch Khê, Xí nghiệp khai thác thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đã bóc, tách thành công gần 10 triệu m3 đất, cát, ở độ sâu (-24m) so với mực nước biển và (-30m) so với mặt đất, trên phạm vi khoảng 90 ha.

PV: Vừa qua dư luận cũng hết sức quan tâm đến những thông tin về khó khăn của Cty và những khó khăn đó đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

TGĐ Hồ Đức Bình: Đúng, cái khó nhất của chúng tôi thời gian qua là là vấn đề vốn. Khi mới thành lập TIC, tỉ lệ góp vốn gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30%); Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%); Tổng công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (4%); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%); Tổng công ty Sông Đà (5%); Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (5%); Công ty TNHH Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Minh (4%) và Cty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%).

Do hạn chế về tài chính bởi ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới, sự biến động của giá cả thị trường, lãi suất vay ngân hàng tăng cao nên một số cổ đông đã không đóng góp vốn kịp thời làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ khai thác và đền bù GPMB. Đến thời điểm này, tính cả tồn đọng thì các cổ đông còn thiếu 450 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2010, các cổ đông đã không đóng góp vốn theo cam kết mà chỉ góp được hơn 220 tỷ đồng còn thiếu của năm 2010.

Sau vốn là công tác đền bù GPMB, sẽ có hơn 4000 hộ dân phải di dời đến 19 khu TĐC nằm rải rác trên địa bàn thuộc 10 xã ở vùng biển ngang. Đây là vấn đề rất khó khăn trong công tác GPMB. Ngày 11-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thoái vốn tại Cty CP phần sắt Thạch Khê, đồng thời yêu cầu Cty cho dừng việc bóc đất tầng phủ, cho phép bán quặng thu hồi khai thác trong tầng phủ đã được bóc cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất phôi thép.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát mỏ Thạch Khê PV: Được biết,* *Cty CP mỏ sắt Thạch Khê thành lập Hội CCB, ông là một hội viên CCB, vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của hội viên CCB trong việc phát triển Công ty?

TGĐ Hồ Đức Bình: Ngày 22-4-2011 được sự đồng ý của Hội cấp trên, Hội CCB Cty CP sắt Thạch Khê đã chính thức được thành lập với 29 hội viên. Phần lớn hội viên CCB của Cty là những người trực tiếp lao động sản xuất, điều khiển các phương tiện máy móc hiện đại và làm công tác quản lý, điều hành. Anh em rất phấn khởi tự hào khi được vào tổ chức Hội CCB và quyết tâm rèn luyện phấn đấu nâng cao phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Anh “ Bộ đội Cụ Hồ”. Hội ra đời đúng vào dịp Công ty đang có những khó khăn cần phải giải quyết, vì vậy các CCB đã thực sự đóng vai trò nòng cốt, vững vàng tư tưởng. Trên công trường đang thi công, anh em luôn nhận về mình những phần việc khó, làm tăng giờ, tăng ca cho kịp tiến độ, thành lập các tổ tự quản CCB, đồng thời gương mẫu trong lao động và sinh hoạt để các tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ của công ty học tập noi theo.

Về phần mình, là một người lính đã được quân đội rèn luyện, trưởng thành, giờ lại được Đảng và Chính phủ giao phó trọng trách chỉ đạo điểu hành ở một dự án khai thác sắt lớn nhất Đông Nam Á, tôi thấy trách nhiệm càng cao. Điều quan trọng nhất là phải biết tập hợp lực lượng Cán bộ công nhân viên của Cty đoàn kết, nhiệt tình sáng tạo trong công việc, khắc phục mọi khó khăn, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào sự điều hành của Chính phủ, về chính sách phát triển và một tương lai tốt đẹp của Cty. Hơn bao giờ hết, những người lính ở công trường mỏ sắt Thạch Khê càng phải phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của người lính để thực hiện lời Bác Hồ dạy: Khó khăn nào cũng vượt qua.

PV: Nhân dân cả nước đang đặt niềm tin vào việc khai thác nguồn tài nguyên quí giá tại mỏ sắt Thạch Khê, xin ông cho biết những tín hiệu khả quan bước đầu?* *

TGĐ Hồ Đức Bình: Vào hồi 13h 10 phút ngày 20-3-2010, vỉa quặng đầu tiên đã được tìm thấy ở độ sâu (- 8,8m) với hàm lượng sắt (Fe) đạt 60%. Ngày 6-4-2011 vỉa quặng sắt thứ 2 đã được tìm thấy, vỉa quặng phát lộ lần này được phân bố dàn đều trên phạm vi gần 1ha trong khu vực khai trường cách mặt đất (-22m) và (-18m) so với mực nước biển, đặc biệt, trữ lượng vỉa quặng sắt có thể lên tới từ 700.000 - 800.000 tấn, với hàm lượng Fe đạt khoảng 62%. Đây là một thắng lợi to lớn của CBNV Cty CP Sắt Thạch Khê cũng như của nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 11-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép dừng bóc đất tầng phủ, cho phép bán quặng thu hồi khai thác trong tầng phủ đã được bóc là một tín hiệu tốt để Cty giải quyết được những khó khăn về vốn, mở ra một trang sử mới về nhiệm vụ khai thác “ Vàng đen “ làm giàu cho đất nước.

Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn!

Lê Anh Thi