Mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đưa ra một thông điệp, đó là thay vì trồng lúa bán 430 USD/tấn gạo, thời gian tới cần hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao bán với giá 600 đến 900 USD/tấn gạo. Nếu điều đó trở thành hiện thực, thì sẽ là niềm vui lớn của người nông dân. Phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, năng suất lúa cao hơn, người nông dân thu được lợi nhuận nhiều hơn, đó chính là thành công của việc xây dựng, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL trong thời gian qua.
Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai và xã Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Lợi, diện tích gần 440ha, hơn 300 nông dân tham gia. Qua 2 vụ lúa thu đông 2013 và đông xuân 2013-2014, mô hình này đã đem lại những kết quả khả quan. Trước hết là bà con giảm được chi phí sản xuất. Nếu làm theo kiểu cũ thì chi phí trung bình hơn 23,92 triệu đồng/ha, còn chi phí của ruộng áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là 21,71 triệu đồng/ha. Anh Trần Văn Quang nông dân xã Vĩnh Hưng cho biết: “Khi còn làm ruộng kiểu cũ thì thu hoạch 30-35 giạ/công đất. Làm ruộng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn thì đạt 55-60 giạ/công đất”. Một điều rất đáng quan tâm nữa là làm ruộng theo cách cũ, bà con thường sử dụng thuốc trừ sâu, rầy nâu và một số bệnh khác nhiều hơn 2 lần so với ruộng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nhìn chung, mô hình cách đồng mẫu lớn đã được người dân tin tưởng, vì thế diện tích đang mở rộng dần, ở nhiều xã của các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi…
Hay nông dân xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xây dựng “cánh đồng mẫu” trên diện tích 100ha. Nhờ bố trí lịch xuống giống hợp lý, mật độ sạ thưa, sử dụng nấm xanh vi sinh để khống chế rầy nâu... nên các thửa ruộng trong cánh đồng mẫu ít nhiễm bệnh hơn ruộng ngoài mô hình, không đổ, giảm phun thuốc trừ sâu, góp phần hạ chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho cộng đồng. Ông Vương Hiệp - ấp Trường Thành (Trường Khánh) phấn khởi nói: “Chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, từ xã đến huyện. Chúng tôi rất yên tâm khi tiếp tục thực hiện mô hình này rất hiệu quả kinh tế, vì ngoài việc giảm được 50% lúa giống còn giảm được tới từ 2 đến 3 lần phun thuốc hóa học, nhưng năng suất đạt khá cao trên 7 tấn/ha (cá biệt có vài hộ đạt năng suất gần 9 tấn/ha) và đã có đầu ra ổn định ở mức cao”.
Nông dân ở ĐBSCL sản xuất còn nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất còn thấp, thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn và đầu tư vốn lớn. Một vấn đề được đặt ra đối với khu vực ĐBSCL là để góp phần xây dựng NTM, trước hết đời sống nông dân phải được nâng lên. Bởi nông dân là chủ thể chính để xây dựng các tiêu chí của NTM. Nhưng muốn nâng cao đời sống nông dân, ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động của họ thì rất cần có sự liên kết, hỗ trợ từ nhiều phía. Việc giá cả nông sản thất thường, được mùa rớt giá thì dù cho có tham gia cánh đồng mẫu lớn đi chăng nữa lợi nhuận của người nông dân cũng không được bảo đảm. Do đó, vai trò của các hợp tác xã, của doanh nghiệp thu mua sản phẩm là rất quan trọng. Hợp tác xã phải là cầu nối tiêu bao sản phẩm cho người nông dân, không thể để thương lái ép giá.
Theo tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Nông dân ở xã xây dựng NTM phải góp tiền xây dựng nông thôn, chứ không phải lập ra kế hoạch ra rồi để Nhà nước tài trợ. Muốn có tiền, họ phải sản xuất có lời nhiều. Cho đến giờ này, tôi nghĩ là liên kết “4 nhà” chưa thành phong trào, chưa có sức thuyết phục cao. Theo tôi, liên kết phải tính như thế nào mà người nông dân có lợi và nên liên kết cây lúa trước để mang tính đột phá”. Vựa lúa ĐBSCL đã và đang đi vào xây dựng những cánh đồng mẫu lớn nhằm cơ giới hóa nông nghiệp, giảm nhân lực, phân bón, thuốc trừ sâu, giúp tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân và bảo vệ môi trường. Dù còn nhiều khó khăn như: Đồng ruộng chưa liên vùng liên thửa, nông dân còn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, ít doanh nghiệp đầu tư… nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp, những bài toán này sẽ sớm được cánh đồng mẫu lớn tìm ra đáp án.
Bài và ảnh:
Phương Nghi