Niềm vui khi tìm được mộ cha
Chị em bà Yến thắp hương bên mộ phần của cha-liệt sĩ Phạm Văn Vũ.
Năm 1971, gia đình bà nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Văn Vũ, sau khi ông hy sinh được 2 năm. “Suốt mấy ngày liền, chị em tôi thấy mẹ khóc, hỏi sao thì mẹ không nói. Đến ngày thứ ba, chúng tôi đang ngồi học bài thì thấy người của ủy ban xã đứng ở sân nói chuyện với mẹ và bảo rằng, sáng mai ba mẹ con ra nghĩa trang làm lễ truy điệu cho bố. Tôi đã òa khóc, vứt sách vở và chạy ra ôm mẹ” - bà Yến xúc động nói.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến năm 1990, bà Yến mới đi tìm mộ cha. Qua thông tin, bà Yến biết được bố mình chiến đấu và hy sinh ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Sau gần một tuần tìm kiếm nhưng không tìm thấy ngôi mộ nào có tên Phạm Văn Vũ ở Phú Thọ.
Về đến nhà, sau bao ngày trăn trở, bà Yến có quyết định táo bạo, là chuyển hẳn gia đình vào Nam sinh sống để tìm cha. Vào Nam, ngoài giờ đi dạy, bà mở thêm quán nước ở gần trường để kiếm thêm thu nhập. Và chính từ đây, cơ duyên tìm được mộ cha đến với bà khi tình cờ một nhà báo dừng chân uống nước. Nghe câu chuyện của bà, ông đã đã dẫn bà đến tìm gặp Trung tướng Lê Nam Phong - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Trước đây, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đơn vị đã chiến đấu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Sau khi nghe bà trình bày nguyện vọng và xem giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Văn Vũ, Trung tướng Lê Nam Phong cho biết, bố bà là cán bộ của đơn vị, đã chiến đấu ở đồi Cu Lơ thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh và hy sinh ở đây nhưng hiện chôn cất ở đâu thì chưa rõ.
Để giúp bà có thông tin chính xác, Trung tướng Lê Nam Phong đã đưa bà đến dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn 7 gặp các CCB, những người cùng chiến đấu với bố. Tại buổi lễ, Trung tướng Lê Nam Phong giới thiệu bà với mọi người: “Đây là con gái của liệt sĩ Phạm Văn Vũ - nguyên là cán bộ của sư đoàn. Có ai biết mộ của đồng chí ấy ở đâu, giúp cho con gái tìm được mộ cha...”.
Trung tướng vừa dứt lời thì phía dưới hội trường vọng lên: “Tôi biết mộ liệt sĩ Phạm Văn Vũ, chúng tôi đã cùng chiến đấu tại đồi Cu Lơ. Anh Vũ là chiến sĩ thông tin đã chiến đấu và hy sinh trong hầm, thời điểm đó do chiến tranh ác liệt nên chưa lấy được thi hài ra khỏi hầm”. Bà Yến không kìm được cảm xúc, nước mắt lưng tròng. Và người biết thông tin đó là CCB Phùng Văn Quý.
Sau hôm đó, bà đã cùng ông Quý và một vài CCB đi tìm mộ tại đồi Cu Lơ. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Ninh, sau vài ngày, họ đã tìm được nơi hy sinh của liệt sĩ Phạm Văn Vũ. Không những vậy, trong chuyến đi này, bà Yến cùng các CCB còn tìm được hai bộ hài cốt của đồng đội năm xưa và đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lộc Ninh.
Tài Ký