Niềm vui học chữ của học sinh dân tộc Cờ Lao

Đồng bào Cờ Lao đã ý thức hơn việc học của con em mình.
Từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi phải mất hơn một giờ để vượt qua cung đường 20km “lên thác, xuống ghềnh” đầy đất đá bằng xe máy để đến được trung tâm xã Túng Sán. Bản làng của đồng bào Cờ Lao nằm vắt ngang những sườn núi, giữa bốn bề là ruộng bậc thang và những cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Nằm trên triền núi, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Túng Sán xây dựng hai tầng. Trong lớp 3A có 25 học sinh, trong đó có 11 em học sinh người dân tộc Cờ Lao. Đang say sưa học bài, thấy chúng tôi vào thăm lớp, các em chào hỏi rất ngoan ngoãn, mạnh dạn. Không còn khoảng cách giữa các em học sinh dân tộc Cờ Lao với các em dân tộc khác.

Cậu bé học sinh người Cờ Lao ngồi ở cuối lớp giơ tay khi chúng tôi hỏi về dân tộc mình. Cậu chăm chú nghe chúng tôi trò chuyện. Khi chúng tôi hỏi tên, em thủ thỉ, nhưng vì tên em phát âm hơi khó nên chúng tôi nhờ em viết họ tên đầy đủ của em. Em viết tên rất nhanh và rõ ràng. Sú Sín Thành là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. “Cháu đi học từ mẫu giáo. Bố mẹ cháu bảo, đi học để biết chữ, sau này làm cán bộ, không phải đi làm nương nữa. Cả hai anh em cháu đều đi học” - Thành hồn nhiên trả lời.

Theo chân thầy giáo Phạm Hoàng Long - giáo viên của trường đi tham quan khu nội trú, bếp ăn của học sinh, chúng tôi thấy vui khi điều kiện ăn ở của các em học sinh Cờ Lao đã đủ đầy. Bếp ăn sạch sẽ, khu nội trú đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết. Ở mảnh đất núi trùng điệp, có đến 70% hộ nghèo này, thì đây là tín hiệu đáng mừng trên hành trình đi tìm con chữ của học sinh Cờ Lao.

Trên một sườn núi khác, nằm ở phía sau Trường PTDT bán trú Tiểu học Túng Sán là Trường PTDT bán trú THCS Túng Sán. Trên sân trường rộn rã tiếng cười. Min Thị Nguyên, cô học trò người Cờ Lao có dáng người nhỏ bé đang chơi đùa cùng chúng bạn. Thấy người lạ hỏi thăm, Nguyên thỏ thẻ: “Nhà cháu có 6 anh chị em. Cháu là con thứ 3. Cả 6 anh chị em cháu đều biết chữ”.

Theo con đường đất nhỏ, lên dốc, xuống đèo vào sâu trong các thôn, bản, chúng tôi đến thôn Phìn Sư. Thôn có gần 100% là đồng bào Cờ Lao sinh sống. Điểm trường Mầm non Phìn Sư cách trung tâm xã 4-5km. Lớp học được xây cấp 4 khá rộng rãi. Thấy chúng tôi dừng lại ở cửa lớp, các con đều dừng chơi và khoanh tay chào.

Tới khu bếp ăn, chúng tôi thấy các em nhỏ người Cờ Lao ngồi xếp thành vòng tròn ngay ngắn ăn cơm. Mỗi con bưng một chiếc bát tự xúc cơm ăn. Bữa cơm trưa của các con có thịt, có rau, có đậu. Tuy bên trong lớp Mầm non đơn sơ, giản dị và thiếu thốn đồ chơi, đồ dùng học tập nhưng bữa cơm ấy của các con đã cho chúng tôi cảm giác ấm lòng.

Cô giáo Hoàng Thị Quê - giáo viên điểm trường Phìn Sư chia sẻ: Điểm trường Mầm non Phìn Sư có 20 trẻ người Cờ Lao. Những năm gần đây, trẻ em dân tộc Cờ Lao cứ đến tuổi Mẫu giáo là cha mẹ cho các con đến lớp.

Chúng tôi rời Túng Sán khi niềm vui và sự trăn trở đan xem. Vui vì bà con đã bước đầu nhận thức được cái chữ quan trọng thế nào, nhưng cũng trăn trở bởi cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu nơi đây. Sự học của đồng bào Cờ Lao vẫn còn muôn vàn khó khăn. Nhưng hy vọng con chữ sẽ cho người Cờ Lao ánh sáng để bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Minh Phúc