Niềm vui của người chiến sĩ bắn tỉa ở Điện Biên

Hòa bình lập lại trở về quê hương, ông là xã viên HTX đánh cá Thống Nhất xã Đại Hợp. với tư chất thông minh, chịu khó, giỏi tìm luồng cá, ông trở thành máy trưởng rồi Thuyền trưởng nổi tiếng khắp vùng. Năm 1965, ông tái ngũ và lên đường vào miền Nam chiến đấu. Năm 1972, do yếu sức ông được phục viên với quân hàm Trung úy.
Cuộc sống bám biểm gắn liền với rủi ro, vất vả. Những năm 90 của thế kỷ trước, quê ông là “điểm nóng” về xuất cảnh trái phép. Nhà nhà, người người bàn tán, rủ nhau đi, mong được đổi đời. Con cháu khóc lóc van xin “Đời sống khó khăn quá, chỉ đi làm kinh tế thôi mà. Ông giỏi cả máy, cả lái, ông đi giúp chúng con rồi ông về. Không có ông chúng con chết ngoài biển, cho ông sống một mình”. Đau lòng, nuốt nước mắt vào trong, ông phải lên chiếc thuyền nan gắn máy dài chưa đầy 10m mà chở tới 20 người là họ hàng, gái, trai, dâu, rể, cháu nội, ngoại của ông. Cùng đi chuyến ấy thì có 5 thuyền bị vỡ, trôi dạt vào Trung Quốc, bị chính quyền bắt trao trả lại cho Việt Nam. Khi thuyền đến Hồng Kông, cảnh sát ở đây cũng chỉ biết thán phục, không hiểu điều may mắn nào giúp ông và con cháu sống sót đến đây.
Năm 1993, ông và con cháu được Nhà nước đón trở về quê hương. Day dứt, ân hận với việc làm của mình ông sống lặng lẽ chẳng muốn tiếp xúc với ai. Con cháu ở riêng còn hai vợ chồng già ông tự nguyện ra trông coi miếu Quan Chánh, giúp việc hương hoa cầu mong thần biển phù hộ cho ngư dân, kết hợp nhận bảo vệ tàu đánh cá để có thu nhập trang trải cuộc sống. Ông biết đồng đội đã một thời tự hào về ông, thương ông, nhưng giận ông lắm. Được nhận trợ cấp theo Quyết định 47 và 142 của Thủ tướng Chính phủ nhưng ông không dám viết đơn xin vào Hội CCB. Những người đồng đội không bỏ rơi ông. Họ kéo ông đi sinh hoạt, đi gặp mặt ôn lại truyền thống đơn vị, chia sẻ với ông lúc vất vả chăm sóc bà khi bị bệnh hiểm nghèo, hòa giải tình cảm của ông bà với con cháu. Động viên, khuyến khích ông tham gia các hoạt động của làng, góp đất, góp công làm đường nông thôn mới. Xúc động trước tấm lòng đồng đội, 83 tuổi đời ông viết đơn xin vào Hội. Trong Lễ kết nạp, lúc đứng lên nhận Quyết định, được trao thẻ Hội viên và gắn huy hiệu CCB từ tay Chi hội trưởng, ông nói trong nước mắt: “Nhiều lúc tôi nghĩ cuộc đời tôi đáng bỏ đi rồi, nhưng Đảng, Quân đội và nhân dân vẫn nhớ, vẫn ghi công của tôi, Hội vẫn chăm lo cho tôi. Được kết nạp vào Hội lúc kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng, dù là tuổi cao, sức đã yếu nhưng các đồng chí giao việc gì tôi cũng quyết hành thành, không làm gì ảnh hưởng tới danh dự Bộ đội Cụ Hồ”. Cả chi hội ai cũng tin ông sẽ luôn nhớ lời hứa đó.
Bùi Anh Hòa