Niềm vinh quang của làng (18/05/2011)

Sao lại có tiếng chân chạy vào giờ này? Hay trâu bò nhà ai xổng chuồng? Bà đi thắp thêm mấy nén hương và đứng trước bàn thờ:

  • Ông ơi, tôi tưởng con nó đã đi với ông, ai dè nó lại về với tôi. Con nó được Anh hùng rồi ông ạ. Sáng mai làng ta đón tiếp nó to lắm. Cả làng mừng cho nhà ta. Ông thấy không, người ta còn làm nhà mới cho ta nữa. Cả đời tôi lo mãi không nổi ba gian nhà cho tử tế, có lúc như kẻ ăn xin, chạy khắp nơi này nơi nọ mà không có lấy một viên gạch. Thế mà đùng một cái người ta lại làm nhà tặng mình. Số ông rõ khổ, chả được chứng kiến ngày này. Số tôi cũng chẳng ra gì, nuôi con lận đận mà suốt đời chịu tiếng là gái không chồng! Ông đừng giận tôi nhé, nhắc thế là nhắc chuyện đời nó cay cực, chứ một lời nguyện ước là vàng là ngọc ông ạ. Chả vợ chồng thì làm sao có thằng Minh hả ông? Chả vợ chồng mà suốt đời tôi đứng vậy để chứng giám cho lòng tôi với ông. Tôi mong ông về. Ông về vui với mẹ con tôi.

Bà Thuận ngả lưng xuống giường, hy vọng chợp mắt được một chút cho đỡ mệt. Hàng xóm đã có tiếng kẹt cửa. Ngoài đường có tiếng người đi chợ xa, chuyện trò râm ran. Nhưng bà Thuận cứ nhắm mắt vào là năm ấy, tháng ấy, bóng hình ấy hiện lên, từ từ nhập vào bà. Những ảnh hình nhoè mờ, trùng khít và tan biến, bà lại trở về cô Thuận của năm ấy, tháng ấy…

Lúc thằng Minh ra đời cũng là lúc kháng chiến chín năm kết thúc. Người làng từ các vùng tản cư lục tục kéo về dựng nhà, vỡ đất. Với Thuận, đứa con trai là niềm an ủi lớn, nhưng mẹ cô cũng vì thế mà vội khuất núi sau một cơn co giật. Ở tuổi bà, sức yếu, hẳn không chịu nổi ánh mắt giễu cợt, lời đồn của những miệng lưỡi cay độc, định kiến: “Gái không chồng có con mới giỏi… thằng Xiêm có tài, khá giả lại không chịu gả… Trời quả báo rồi!”. Có người đặt vè, hát gần hát xa. Thuận chỉ còn biết cắn môi bước qua dư luận. Xót xa. Tủi phận. Đã có lúc cô định liều mình quyên sinh. Cô nghĩ đến anh, đến đứa con máu thịt của anh ấy. Tình thương yêu anh giờ cô chỉ còn biết dồn cho đứa trẻ. Đôi mắt nó giống anh quá. Cái miệng cười như tạc từ bố.

Cái đêm ấy, đêm đau thương anh ra đi và mãi mãi không trở lại. Trước lúc ra khu du kích, anh còn hôn cô và bảo:

  • Anh đi chuyến này có hai việc lớn. Đố em biết đấy?

  • Chuẩn bị đánh đồn chứ gì?

  • Còn việc nữa…?

Cô không nghĩ ra, lắc đầu chịu. Anh cù vào lưng Thuận:

  • Việc thứ hai là… báo cáo cấp trên để cưới… này này! – Anh đặt ngón tay lên môi Thuận.

Cô đấm nhẹ lên vai anh. Cô chợt lo, đã có lúc cô và anh đắm đuối trong tình yêu không kìm giữ, như đã vợ chồng.

Anh vừa ra khỏi ngõ thì bị địch phục kích. Anh nhảy qua rào, chân vướng vào dây leo, chưa kịp vùng dậy thì bị bắt. Chúng đưa anh ra bắn tại đình làng rồi vứt xác xuống sông. Lòng Thuận tan nát. Thuận muốn ào ra cấu xé quân giết người. Nhưng Thuận làm được gì? Một cô gái tay không, yếu đuối thì làm được gì? Cô kịp hiểu rằng, mọi điều anh cần báo cáo với cấp trên đã mãi mãi im lặng cùng anh. Cô cố kìm nén cơn xúc động, cay đắng, khăn áo một mình lội đồng vào chân núi xa. Ở đó có hai việc lớn mà anh cần báo cáo, nhưng Thuận chỉ làm thay anh một nửa. Cái nửa cho công đồn, còn nửa cho hạnh phúc chính mình thì mãi mãi im lặng.

Thằng Minh càng lớn càng giống anh. Nó hiếu kỳ và hóm. Những câu chuyện cô kể về anh làm nó thích thú. Trong đầu nó luôn có một người bố thật tuyệt vời. Nó thường nằm trên giường làm những động tác bò trườn như du kích. Đến lớp, trong những lần nghe cô giáo kể chuyện về truyền thống lịch sử, nó lại có dịp khoe với bạn bè về bố nó một cách say sưa, tự hào. “Ngày ấy, cái ngày ấy bố tớ…”. Nhưng đến một lúc nào đó bọn trẻ không còn ham nghe nó kể nữa. Có đứa bạo mồm còn nói: “Mày làm cứt gì có bố!”. Hôm đầu thằng Minh chỉ hơi ngạc nhiên và nghĩ rằng chúng bạn đùa mình. Điệp khúc ấy cứ lặp lại mãi làm nó phải nghe ngóng. Nó đã nghe thấy trong tiếng xì xào chỗ này chỗ kia của bọn trẻ những điều làm nó sững sờ. Cuối cùng, nó nhảy xổ vào bọn trẻ đấm, đá, húc… bằng mọi cách để trả thù, để đập tan ác ý mà nó cho rằng bọn trẻ dựng chuyện, xuyên tạc, dám động đến danh dự của bố mẹ nó.

Một buổi trưa, Thuận thấy con đi học về muộn hơn mọi ngày, mặt mũi thâm tím, xây xát, áo quần lấm lem bụi đất.

  • Con mình làm sao thế, Minh? – Cô kéo nó vào lòng, lay đôi vai bé nhỏ. - Đứa nào đánh con, đứa nào?!

Thằng Minh đứng lặng câm. Môi nó mím chặt, quay ngoắt đi.

  • Con trèo cây ngã hay đứa nào đánh? Trời ơi! Con tôi…

Thằng Minh vẫn đứng lặng. Cô thấy trong mắt nó một ánh nhìn lạ! Cô chạy quanh nó như đèn cù, dỗ dành. Đột nhiên nó òa khóc, tay túm áo mẹ, lắc:

  • Con có bố không, mẹ? Con có bố không?

Thế là cô hiểu ra. Trời ơi, sao số phận phũ phàng với cô thế. Lời dị nghị bắt đầu làm tổn thương đứa con trai của Thuận. Trong ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của nó giờ thật lạ khi nhìn cô. Cái nhìn như mũi tên bắn vào trái tim cô. Cô chưa hoàn toàn thanh thản về những năm tháng cũ của mình. Giờ đây, có nỗi đau nào hơn khi chính đứa con mình nhìn mình bằng con mắt ngờ vực, xa lạ.

Minh bỏ học suốt cả tuần, cơm không chịu ăn. Nó lủi thủi đến nằm ru rúù ở nhà người quen. Có lúc nó tha thẩn một mình dọc bờ sông. Có lần nó đi bộ đến gần chục cây số lên phố huyện với một đứa bạn quen hồi đi dự trại hè. Thuận hoang mang đến gặp nhà trường nhờ giúp. Có lúc cô cắm cúi lên xã mà chưa biết để làm gì. Con cô phải có bố, tất nhiên rồi, nhưng ai dám chứng nhận anh ấy là bố nó? Thậm chí cả làng này không ai biết về anh. Vì đã mang thai trái với tục lệ làng, sau khi anh hy sinh, cô cũng không bao giờ gặp một người có chức trách nào nữa.

Một hôm cô lên xã, đó là lúc bị ức chế kinh khủng. Cô đi phăm phăm với một quyết tâm làm cho mọi chuyện rõ ràng. Nhưng vừa nhô vào sân trụ sở thì bất ngờ gặp Xiêm đang nhoẻn cười sau khung cửa sổ. Chủ tịch xã bây giờ là Xiêm. Cô gặp Xiêm để làm gì nhỉ? Cô nhớ, ngày cô sắp sinh con, gặp cô ở đường, Xiêm nhếch mép cười: “Có kiện cái gì thì đừng kiện anh nhé. Dù sao người ta cũng biết anh hay đến nhà em”. Cô quát: “Bây giờ tôi mới rõ cái mặt lái buôn của anh!”. Từ đó cô tránh gặp Xiêm. Hòa bình, Xiêm ra làm Văn phòng uỷ ban xã. Xiêm có chút học nên ăn nói hơn người. Đường buôn bán giao du đủ hạng người nên Xiêm biết xử nhu, xử cương. Người ta bảo Xiêm khôn khéo lắm. Thế là Thuận lại cắp nón quay về như quả bóng bỗng xì hơi.

Không còn cách nào khác là nói thật với con. Một sự thật cô nghĩ không có gì phải xấu hổ, chỉ chưa dám nói ra, con cô còn bé mà. Rồi con sẽ hiểu. Rồi con sẽ khôn lớn. Nó phải sống xứng với anh Bình, bố nó, cô tin thế. Đêm ấy, cô ôm con vào lòng, gãi đầu cho nó ngủ. Thằng Minh nằm im trong tay mẹ. Rồi nó òa khóc: “Mẹ ơi, đừng giận con… Mẹ đừng giận con… Thôi, mẹ đừng khóc…”. Nó bảo mẹ thế nhưng tiếng nấc của nó còn to hơn cô. Cô cảm thấy con mình lớn hơn cái tuổi của nó rồi.

Sân trụ sở Ủy ban xã đông người. Cờ bay phần phật. Màu băng-rôn khẩu hiệu đỏ chói. Một dòng chữ lớn nổi bật: “Nhiệt liệt chào đón Anh hùng quân đội Đỗ Quang Minh”. Từ sáng sớm, một tốp thiếu niên trong ban nghi lễ đã chờ sẵn. Tiếng trống ếch ruỳnh ruỳnh, kéo theo sau là một đàn dài lếch thếch bọn trẻ ở làng. Chúng đến với sự hiếu kỳ. Các ban, ngành, đoàn thể trong xã hầu như không sót một ai. Phía bếp ăn tập thể tiếng lợn kêu eng éc, nghe rộn mùi bếp núc.

Phải hơn tám giờ sáng quý khách tỉnh, huyện mới về. Chủ tịch Xiêm bận rộn nghinh tân. Ông cười nói, ra vào, bắt tay, mời mọc… Ông nhẩm gần thuộc lòng bài diễn văn mà ông viết khá hùng hồn trong hơn một tuần qua. Đây là dịp hiếm có để chứng minh năng lực, đức độ và lòng mến khách của ông. Bên trái ông là Chủ tịch huyện, bên phải là Huyện đội trưởng, cán bộ Tỉnh đội, Uỷ ban tỉnh… Chủ tịch Xiêm tranh thủ giới thiệu với khách về các phong trào của xã, chính sách hậu phương quân đội. Ông cũng hé cho quan khách hàng huyện, hàng tỉnh biết xã chăm lo cho gia đình bà Thuận ra sao. Bằng chứng là mới làm cho bà một căn nhà bốn gian bằng công quỹ xã hội. Nhiều người chìa những bàn tay tin cậy nắm chặt tay Xiêm. Chủ tịch huyện gật gù “ờ ờ… cứ thế mà làm”.

Nhìn khắp lượt chưa thấy bà Thuận đâu, cũng chưa thấy Minh và các sĩ quan đơn vị của anh đến. Chủ tịch Xiêm lo lắng ngoắc tay gọi ông thư ký, ông thư ký bổ nháo bổ nhào chạy ra khỏi hội trường. Chợt ngoài cửa tiếng bọn trẻ con huyên náo:

  • Anh ấy đấy, anh ấy đấy. Tớ biết từ chiều hôm qua cơ. Đơn vị đánh xe con về tận nhà, oai không?

  • Người ta bảo bố anh ấy đánh nhau với Tây tài lắm. Tây xử bắn vẫn không khai.

  • Tớ chả thấy anh ấy oai tý nào nhỉ. Quần áo bộ đội tầm tầm thôi.

  • Trông bé thế kia mà bảo đánh được mấy trăm lính Mỹ.

Tiếng loa rọ rẹ rồi réo lên: “Đề nghị mấy em bé ngoài cửa trật tự, trật tự…!”. Một ông lão làm bảo vệ cầm cái roi huơ lên. Bọn trẻ chạy ùa ra lẫn tiếng trống ếch cứ ruỳnh ruỳnh, ruỳnh ruỳnh…

Minh bước vào hội trường với những tấm huân chương đỏ chói trên bộ quân phục mới. Anh dắt mẹ đi lên phía trên giữa bốn người lính cùng đơn vị. Tiếng vỗ tay rào rào. Quả thực, không có những tấm huân chương kia người ta khó tin cái vóc dáng bình thường thế mà lại quả cảm, anh hùng; khó tin những chiến công mà làng đã nghe đọc suốt mấy ngày nay trên đài truyền thanh xã.

Chủ tịch Xiêm gõ cốc cốc lêm mi-crô, giọng ông vang lên trịnh trọng. Ông nói về truyền thống của xã trong hai cuộc kháng chiến. Ông dẫn lý do buổi đón và tôn vinh Đỗ Quang Minh. Bài diễn văn mùi mẫn cứ thế kéo dài ra.

Bà Thuận ngợp trong niềm vui sướng. Thỉnh thoảng bà lại ngước nhìn con trai mình. Bà thấy nó có vẻ già đi nhiều so với hôm qua, lúc nó từ xe con chạy vào nhà ôm lấy mẹ. Ấy là lúc bà vừa thiếp đi sau một đêm thức trắng phấp phỏng đón con. Những người lính cùng đơn vị cũng đứng lặng trong niềm xúc động quá lớn của mẹ con bà. Minh mở ba lô chia quà khắp lượt cho trẻ con hàng xóm đang ùa vào. Nó chạy ra vườn, thăm chuồng gà, chuồng lợn. Nó ngắm nhìn căn nhà, reo lên: “Mẹ đã làm được nhà mới rồi cơ”. Bà không thanh minh gì, cứ đứng trân trân mà nhìn con. Nó kể, người ta đã lầm nó hy sinh, nhưng sau trận đánh ác liệt ở vùng ven đô, nó không thư từ gì cho bà vì phải tiếp tục một nhiệm vụ đặc biệt nào đó.

Bà đang triền miên trong hồi ức thì có tiếng giới thiệu con trai bà. Chủ tịch Xiêm mời Minh lên phát biểu, tâm sự với quê hương. Ông vẫy tay ra hiệu cho Minh đứng lên cái bục gỗ danh dự kê giữa nền lễ đài để tiện chụp ảnh luôn.

Minh bước lên vài bước nhưng không bước lên bục mà đứng giữa những hàng ghế đầu hội trường. Chủ tịch Xiêm đến nắm tay Minh, nói nhỏ: “Ấy, cháu phải lên trên kia chứ. Đấy là bộ mặt của xã ta…”. Ông chưa kịp nói hết, Minh đã cảm kích:

  • Kính thưa bà con cô bác, xin cho tôi được đứng đây giữa mọi người. Tôi thật xúc động, thật vui mừng khi được về với người thân, về với làng xóm… Xin cảm ơn xã, các vị khách và bà con cô bác dành cho tôi buổi đón tiếp này. Chiến công của tôi ư? Tôi nghĩ là rất nhỏ, thậm chí chưa nặng bằng những giọt nước mặt chịu đựng, hy sinh thầm lặng của mẹ tôi và bao bà mẹ khác. Chính cái thầm lặng, vô hình ấy mới đáng cho ta cảm phục. Chỉ với điều ấy, cái bục cao kia cũng không đủ xứng với họ. Tôi xin cảm tạ những bà mẹ và không dám bước lên vị trí ấy…

Tiếng vỗ tay chợt rộ lên. Người ta xì xào, sao con trai bà Thuận nói hay, nói khéo thế. Cả hội trường không ai bảo ai cùng đứng dậy hoan hô nồng nhiệt. Bà Thuận ngây ngất nhìn đứa con trai, mắt cứ nhòa đi. Từ cõi thẳm mênh mông, một gương mặt, một nụ cười chợt hiện lên. Nụ cười của người cán bộ năm xưa trong căn hầm bí mật. Lần đầu tiên bà thấy có hàng trăm ánh mắt nhìn mình ấm áp…

Truyện ngắn của Trần Quang Quý