Niềm hy vọng của nước Anh

Thủ tướng Anh - Rishi Sunak phát biểu tại số 10 phố Downing, thủ đô London ngày 25-10.

Lịch sử nước Anh và có lẽ là cả Ấn Độ sẽ ghi nhận khi ngày 25-10 vừa qua, ông Rishi Sunak đã trở thành người gốc Ấn Độ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Anh, nước đô hộ Ấn Độ trong thời kỳ thực dân.

Nhậm chức trong lúc chính trường nước Anh đang trong cơn đảo điên nhất lịch sử, ông Sunak trở thành Thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng hai tháng với hy vọng là người có thể giúp nước Anh vượt qua gian khó. Ông sinh năm 1980 tại Southampton, Anh. Bố mẹ ông là người gốc Ấn Độ, nhập cư Anh từ Đông Phi vào những năm 1960. Tốt nghiệp Cao đẳng Winchester, ông Sunak sau đó theo học ngành triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Ông học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford và tại đây gặp bà Akshata Murty, con gái ông Narayana Murty - nhà sáng lập Công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Infosys của Ấn Độ. Sau đó, ông trở thành con rể của ông Murty, tỷ phú được gọi là "Bill Gates của Ấn Độ". Khi ông nhậm chức, thông tin về tài sản của vợ chồng ông cho thấy họ giàu gấp đôi Vua Charles của nước Anh và nằm trong số 200 người giàu nhất xử sở sương mù. Một số người Ấn Độ viết trên mạng xã hội rằng việc ông Sunak trở thành Thủ tướng Anh càng có ý nghĩa hơn khi Ấn Độ vừa kỷ niệm 75 năm độc lập sau giai đoạn là thuộc địa của Anh.

         Thực ra, năng lực và vị trí của ông Sunak mới chính là yếu tố giúp ông vươn lên vị trí Thủ tướng Anh. Chỉ gần hai tháng trước, ông Sunak là ứng viên bị đánh bại trong cuộc tranh cử với bà Liz Truss, người sau đó giữ chức Thủ tướng Anh trong 6 tuần. Bà Truss được bầu với một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng, nhưng chính sách cắt giảm thuế mà bà đề ra đã khiến Anh rơi vào khủng hoảng. Trong cuộc đua đó, ông Sunak đang đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính và bà Truss giữ vị trí Ngoại trưởng. Khi bà Truss chiến thắng, ông Sunak vẫn phụng sự chính phủ do bà dẫn dắt nhưng mọi chuyện diễn ra không được như ông mong muốn. Thời điểm ông Boris Johnson, người tiền nhiệm của bà Truss, nắm quyền ông Sunak đã ủng hộ ông Johnson. Thế nhưng, dưới thời bà Truss, ông quyết định từ chức ngày 5-7 do cảm thấy cách tiếp cận kinh tế "quá khác biệt" so với Thủ tướng. Quyết định của ông đã góp phần gia tăng áp lực, khiến Thủ tướng Johnson từ chức ngày 7-7, chỉ sau đúng hai ngày khi thiếu ông.

Bà Truss đã có những quyết định sai lầm và phải từ chức chỉ sau 44 ngày cầm quyền, để lại một nước Anh chao đảo cho ông Sunak - sự lựa chọn nhanh chóng và duy nhất của đảng Bảo thủ Anh. Trên lý thuyết, ông Sunak còn ít nhất hai năm trước khi Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Thời gian đó là quá đủ để ông Sunak lấy lại thăng bằng cho con tàu nước Anh giữa sóng gió và khôi phục tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm nghiêm trọng của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò dư luận.

NAM LONG