Ni sư Thích nữ Nhật Thành: Người CCB thấm đẫm Đạo pháp
Ni sư gửi quà trợ giúp người nghèo trong khu cách ly.
Tôi gặp Ni sư Thích nữ Nhật Thành trụ trì chùa Vĩnh Xương, tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 của Hội CCB quận 3, T.P Hồ Chí Minh và rất ấn tượng với bài tham luận của nhà sư: “Phụng sự đạo pháp và dân tộc, chăm lo đời sống an sinh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân”.
Sau Hội nghị, tôi được Ni sư mời về ngôi chùa Vĩnh Xương, tọa lạc ở phường 11, quận 3. Ngôi chùa cổ kính trầm mặc nhưng rất đỗi thân quen đối với các CCB, bởi nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chở che cho các chiến sĩ biệt động thành, sư trụ trì là cơ sở cách mạng.
Ni sư Nhật Thành tên thật là Dương Thị Hường, xuất thân trong gia đình nghèo khổ, được sư thầy trụ trì chùa Vĩnh Xương đưa vào nuôi dạy và giác ngộ cách mạng.
Với đức tính cần cù, chăm chỉ, ham hiểu biết, cô bé đước sự trụ trì yêu quý và tin tưởng giao nhiệm vụ làm giao liên vận chuyển tài liệu vũ khí thuốc men cho Tiểu đoàn 316 đặc công - biệt động thuộc Bộ Tham mưu Miền (B2) - còn được gọi là Lữ đoàn Tình báo hành động với những trận tấn công “xuất quỷ nhập thần” làm kẻ địch khiếp sợ. Ngày ấy, chùa Vĩnh Xương luôn trong “vòng ngắm” của kẻ thù. Cô bé với dáng người nhỏ nhắn nhưng thông minh gan dạ, giữ được bí mât, an toàn vượt qua tai mắt của bọn chỉ điểm, mật thám để hoạt động cho tới khi miền Nam được giải phóng.
Đất nước hòa bình, Dương Thị Hường vẫn tiếp tục tu hành tai chùa và trở thành sư trụ trì. Đã qua cuộc sống chiến đấu gian khổ của một chiến sĩ biệt động thấm đẫm tình thương với đồng bào, bà luôn đau đáu một điều gắn với cuộc sống của chúng sinh.
Là hội viên Hội CCB, Ni sư luôn đi đầu trong hoạt động từ thiện. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2021 của Ban Dân vận Quận ủy, Ni sư đã thực hiện kế hoạch “Cơ sở tôn giáo gắn liền với hộ nghèo, cận nghèo”, đồng thời chăm lo cho 3 hộ cận nghèo là hội viên Hội CCB, thực hiên tốt những điều được giao ước: Không để người nghèo, cận nghèo, yếu thế, tụt hậu, bị bỏ quên. Sau 1 năm, cả 3 gia đình đã vượt chuẩn cận nghèo theo tiêu chí của thành phố.
Trong đợt lũ lụt xảy ra ở miền Trung, Ni sư đi đầu cùng với Hội CCB quận 3 thực hiện chương trình “Hướng về miền Trung thân yêu - chia sẻ yêu thương”, với số quà quyên góp lên tới gần 1 tỷ đồng. Hưởng ứng cuộc vân động “Xây dựng Nông thôn mới đô thị văn minh”, nhà chùa tham gia cùng với Hội CCB quận 3 ủng hộ, khoan 13 giếng nước ngọt tại xã Tân Biên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang trị giá hơn 45 triệu đồng.
Đặc biệt, năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành, nhà chùa trở thành “địa chỉ đỏ” để người dân tin tưởng, gửi gắm niềm tin và sinh mệnh. Những ngày khó khăn đó, Ni sư động viên sư sãi trong chùa đồng lòng cùng CCB thực hiện “Chống dịch như chống giặc”, tổ chức các chương trình ủng hộ như: “ATM, rau, củ, quả” với 6 tấn hàng, “ATM gạo tình thương với hơn 3 tấn gạo, “ATM bữa cơm tình nghĩa“, tặng 12.000 suất cơm cho khu vực cách ly. Những ngày chống dịch, bếp ăn từ thiện chùa Vĩnh Xương luôn đỏ lửa, cung cấp miễn phí 20.000 suất cơm; tặng gạo, thực phẩm cho người dân khu vực Trần Văn Đanh. Tổng số tiền ủng hộ trong đợt chống dịch lần thứ tư lên tới gần 1,2 tỷ đồng.
Thực hiện chương trình chăm lo tro cốt người mất vì đại dịch Covid-19, tuy trong thời gian cách ly, chùa phải đóng cửa, nhưng không để người dân, hội viên mất mà không ai chăm lo hương khói, Ni sư đã quyết định mở cửa chùa, lập bàn thờ đặt tro cốt cho 50 người, trong đó có 12 CCB.
Đồng chí Trần Minh Dũng - Phó Chủ tịch Hội CCB quận 3 tâm sự: “Khi dịch tạm lắng, mọi người mới có dịp tìm lại người thân đã mất. Có gia đình CCB đã ôm lấy Ni sư nước mắt giàn giụa. Họ biết ơn nhà chùa đã chăm lo hương khói cho những người đã mất như người thân, ruột thịt”.
Ni sư Nhật Thành tâm sự: Với tôi, không chỉ là một CCB mà còn đại diện cho tín đồ Phật giáo, đảm nhận vai trò quản lý điều hành sinh hoạt tín ngưỡng, tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội, giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Giáo hội. Truyền thống tốt đẹp đó sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng chính là tinh thần “Hộ quốc an dân” đã được khẳng định trong đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Bài và ảnh: Hồng Thái