Những người ủng hộ phong trào "Áo vàng" biểu tình bạo loạn tại Paris, Pháp.
Nguồn cơn của các cuộc biểu tình với quy mô hàng trăm nghìn người bắt đầu từ quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng. Chính phủ Pháp cho rằng, tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, nhiều người dân, đặc biệt là nông dân, không nghĩ vậy. Từ hàng nghìn người đến hàng trăm nghìn người cùng với sự trà trộn của các phần tử cực đoan, quá khích đã khiến cho các cuộc đụng độ của người biểu tình với lực lượng an ninh trở nên nghiêm trọng. Paris trở nên xấu hơn bao giờ hết bởi hình ảnh lộn xộn, bạo lực của các cuộc biểu tình và các biểu tượng lịch sử, kể cả Khải Hoàn Môn” cũng bị phá hoại.

Không phải chính phủ Pháp không cứng rắn bảo vệ các quyết định của mình. Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe từng khẳng định chính phủ sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu, bất chấp các cuộc biểu tình của những người "áo vàng" (người biểu tình mặc áo phản quang màu vàng). Thế nhưng, chính phủ càng “rắn” thì các cuộc biểu tình càng tăng. Thiệt hại về kinh tế do các cuộc biểu tình gây ra lên tới hàng tỉ euro và nếu cứ tiếp diễn như vậy, nền kinh tế và chính trị Pháp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Cứng rắn không được, chính phủ Pháp đã nhượng bộ. Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp Philippe thông báo chính phủ hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019. Đây là nhượng bộ mới nhất của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron sau khi quyết định tạm đình chỉ tăng thuế này trong 6 tháng vừa được công bố một ngày trước đó. Tuy vậy, các cuộc biểu tình không ngừng leo thang và trở thành làn sóng phản đối các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng thống Emmanuel Macron. Hôm 8-12, đã có hơn 1.220 người bị cảnh sát bắt giam.

Và bài phát biểu trên truyền hình gần đây nhất Tổng thống Emmanuel Macron còn nhận trách nhiệm và hứa thay đổi hàng loạt những chính sách có lợi cho tầng lớp thu nhập thấp, như tăng lương, giảm thuế...

Nếu vậy, uy tín của Chính phủ sẽ tiếp tục giảm sút và đây sẽ lại là một thế khó mới. Vòng luẩn quẩn khi các vấn đề kinh tế - xã hội cho từng giai tầng không được giải quyết thỏa đáng là vậy.

**Nguyễn Ngọc
**