Những trận đánh làm nên lịch sử của đặc công VN (30/04/2013)

Bài 1: Những trận đánh làm nên lịch sử của đặc công Việt Nam

Được phát triển từ nghệ thuật đánh giặc của cha ông, song đến kháng chiến chống Mỹ, nghệ thuật đánh giặc của đặc công Việt Nam được phát triển tới một tầm cao mới. Những ngón đòn hiểm hóc của những chiến sĩ “đầu trần, chân đất” đã làm cho Mỹ-Ngụy kinh hồn, bạt vía.

Năm người phá cả kho bom

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, ngôi nhà nhỏ nằm ở thành phố Bắc Ninh rôm rả bất chợt khi tốp khách lạ tìm đến hỏi về đại thắng mùa xuân năm 1975. Tiếp khách bằng nụ cười đầm ấm và cái bắt tay chắc nịch của người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường bom đạn, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân-Đại tá Đỗ Văn Ninh (nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công) bảo rằng: Đặc công luôn có những cách đánh độc đáo để giành chiến thắng đặc biệt.

Nhấp ngụm trà nghi ngút khói, người đàn ông đã bước vào độ tuổi 75 ấy kể, vào thời điểm mùa xuân năm 1975, ông đang giữ chức Phó Trung đoàn đặc công 113 thuộc Binh chủng Đặc công.

Tháng 3 năm ấy, Đoàn 113 nhận lệnh đánh bằng được vào phía Đông của sân bay Biên Hòa, đánh phá kho bom Bình Ý và hướng dẫn cho pháo chiến dịch vào điểm xây dựng trận địa. Trong các nhiệm vụ ấy, việc phá kho bom Bình Ý để địch không còn bom đánh phá quân ta là cực khó bởi địch tập trung bố trí phòng vệ rất cẩn mật.

“Nhiều tổ trinh sát của chúng tôi khi đó không tiếp cận được bên trong kho bom bởi nhiều hàng rào phức tạp. Chúng tôi đào hầm, ăn nghỉ ngoài rào để đợi đến đêm sẽ vào trong đánh phá nhưng không được,” ông Ninh kể.

Khó khăn là vậy, nhưng cấp trên lại lệnh cho Đoàn 113 phải khẩn trương đánh kho bom cho kỳ được, thậm chí là dùng cách đánh của bộ binh. Sau khi bàn bạc với Chính ủy, ông Ninh đã quyết định báo cáo không thể đánh theo cách bộ binh bởi như vậy sẽ bị lộ và nhiều khả năng địch sẽ tập trung hỏa lực tiêu diệt cả Trung đoàn. Sau đó, ông xin gia hạn thêm 7 ngày để nghĩ cách phá kho bom.

Sau khi tìm hiểu kỹ địa hình, sơ đồ tác chiến…, ông Ninh đã cử một tổ gồm 5 chiến sĩ đặc công vượt sông Đồng Nai để tiếp cận với kho bom. Ở hướng đi này, 5 chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và kho bom đã bị phá hủy.

Tháng 4/1975, Trung đoàn 113 lại nhận được lệnh đánh vào Chi khu Di An (Thủ Đức), Thiết đoàn cơ giới Hốc Bà Thức, chốt giữ một đoạn của xa lộ Biên Hòa và đánh phá cầu Ghềnh-một trong những cây cầu huyết mạch tiến về Sài Gòn.

Kế hoạch tác chiến được vạch ra, các chiến sĩ đã di chuyển tới các vị trí chiến đấu thì Trung đoàn 113 lại nhận được lệnh không đánh kho Di An, không được phá cầu mà phải đánh-giữ cầu Ghềnh chờ Đại quân tiến vào Sài Gòn.

Bản thân ông Ninh vào đêm 28/4 dẫn quân đánh chiếm Hốc Bà Thức, bắt được Đại tá chỉ huy Thiết đoàn của địch và hơn 30 tên lính. Sau khi đánh xong, lập tức ông chỉ huy cho các chiến sĩ phòng ngự bởi tới sáng 29, địch điên cuồng dùng máy bay, xe tăng tấn công hòng lấy lại căn cứ. Tuy nhiên, trước sự quyết liệt của các chiến sĩ đặc công, chúng đã điên cuồng đánh bom phá hủy chính căn cứ của mình.

Giữ cầu, bắc nhịp giành đại thắng

Nhiều trận đánh vang dội, nhưng có lẽ chiến công quan trọng nhất góp phần vào đại thắng 38 năm về trước của đặc công chính là việc đánh giữ 14 cây cầu huyết mạch vào Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để 5 cánh quân thần tốc tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn, đánh thẳng vào cơ quan đầu não địch.

Về trận cầu Ghềnh, ông Ninh kể rằng, nhiệm vụ của đặc công trước kia thường đi… đánh, phá và công việc này được hoàn thành dễ dàng. Song, nhiệm vụ đi “đánh, chiếm, giữ” quả thật nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ, đặc công phải tiêu diệt toàn bộ giặc trên cầu vào ban đêm một cách nhanh gọn.

Tuy đã diệt địch, nhưng đại quân vẫn chưa tới nên khi đã chiếm được cầu Ghềnh vào đêm 27, rạng sáng 28 thì tới cả ngày 28 và ngày 29, địch tổ chức nhiều đợt tấn công hòng cướp lại cây cầu huyết mạch.

Trước hỏa lực cực mạnh của quân thù, 50/52 chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, song không ai vì thế mà rút khỏi trận địa. Cuối cùng, khi đại quân tiến vào, địch buộc phải rút chạy và nhiệm vụ bảo vệ cầu Ghềnh đã hoàn thành rực rỡ.

“Đặc công đánh và giữ cầu, song lại không thể biết khi nào đại quân tiến vào để có sự chuẩn bị hợp lý hơn,” ông Ninh trầm buồn khi nghĩ tới những người đồng đội đã ngã xuống trước thềm chiến thắng.

Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền, Chính ủy Binh chủng Đặc công cho hay, đánh chiếm, giữ cầu là nhiệm vụ đặc biệt, thầm lặng, khó khăn, ác liệt, khốc liệt, có ý nghĩa quyết định đến bước tiến và thời cơ của Chiến dịch. Do đó, lần đầu tiên Bộ đội đặc công được sử dụng với một lực lượng lớn nhất gồm 1 sư đoàn (gồm 7 trung đoàn); 1 lữ đoàn; 4 tiểu đoàn và nhiều tổ, đội biệt động.

Theo lời tướng Chuyền, nhiều trận đánh chiếm, giữ cầu đã ghi những chiến công thầm lặng của bộ đội đặc công. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng không phải vì đánh cầu, mà là do giữ cầu, phục vụ chiến dịch. Bởi, nếu cầu bị phá, Đại quân sẽ mất rất nhiều thời gian để vừa bắc cầu qua sông, vừa chống lại địch bên kia sông dung hỏa lực tấn công.

Thực tế cũng cho thấy, ở nhiều trận đánh giữ cầu, lực lượng đặc công bị địch phản công đã phải gồng mình chống đỡ. Thậm chí, khi chỉ còn vài chiến sĩ, họ cũng quyết chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Bởi với họ, cầu còn thì người còn, cầu mất thì người chết.

Với sự quyết tâm ấy, cuối cùng, 14 cây cầu dẫn lối về Sài Gòn đã được bộ đội đặc công bảo vệ thành công, hiên ngang trong lửa đạn.

“Có thể nói, ngày toàn thắng lịch sử đã đến, giờ phút cuối cùng của Chiến dịch đã điểm nhưng máu của nhiều chiến sĩ đặc công vẫn đổ để cho những cây cầu được giữ vững, để bánh xích xe tăng, để ý chí và sức mạnh tổng hợp của năm cánh quân rầm rập băng qua những cây cầu, thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên mùa xuân đại thắng của dân tộc,” Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền chốt lại./.

Theo Vietnam+

(TH)