Những trận đánh chưa thành công: TRẬN THƯỢNG ĐỨC - Bài học "Biết địch - biết ta"
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng mới trên nền căn cứ xưa.
Trong lịch sử chiến tranh, có những trận đánh phải kéo dài thời gian, tuy kết quả cuối cùng vẫn đạt được mục tiêu đề ra nhưng thương vong lớn mà nguyên nhân chính là do chưa thật "biết địch, biết ta". Trận Thượng Đức là một trong những trận đánh như vậy.
Các nhà lịch sử quân sự thế giới đã từng tổng kết “biết địch, biết ta - trăm trận, trăm thắng” quả không sai. Việc giải phóng được Chi khu quận lỵ Thượng Đức vào tháng 8-1974 đã làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng tại Mặt trận Quảng - Đà, góp phần quan trọng vào thắng lợi lớn của chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Tuy nhiên, để giành được thắng lợi đó, Sư đoàn 304 và các lực lượng phối thuộc đã phải trả một cái giá khá đắt với 111 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 285 trường hợp bị thương; đồng thời phải trải qua 3 đợt tiến công mới có thể đánh chiếm được toàn bộ quận lỵ chi khu Thượng Đức.
Thượng Đức – một quận lỵ quan trọng án ngữ phía Tây TP Đà Nẵng được địch tổ chức phòng thủ rất kiên cố. Lực lượng địch tại đây gồm: Tiểu đoàn 79 biệt động biên phòng, Tiểu đoàn bảo an 148 và Đại đội bảo an 704, 1 trung đội pháo 105 mm, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 21 trung đội dân vệ và một số đơn vị phòng vệ dân sự... Tổng cộng có khoảng 800 quân. Tại đây địch bố trí thành các cụm cứ điểm liên hoàn và được phân chia thành 3 khu: Khu chính, Khu Biệt động và Khu quận lỵ. Cả 3 khu đều được bố phòng rất kiên cố. Đáng chú ý là toàn bộ hệ thống kho tàng, cơ quan chỉ huy, trung tâm thông tin... của địch tại đây đều được bố trí ngầm sâu dưới lòng đất. Thượng Đức còn được bảo vệ bởi các trận địa pháo và không quân từ căn cứ Đà Nẵng, Ái Nghĩa...
Kể từ sau Xuân Mậu Thân 1968, ta đã 3 lần tổ chức tiến công đánh chiếm quận lỵ này (1968, 1969, 1970) nhưng cả 3 lần đều không thành công. Cứ sau mỗi lần bị ta tiến công, địch lại tăng cường hệ thống phòng thủ Thượng Đức kiên cố và vững chắc hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật đã từng tuyên bố một cách ngạo mạn rằng: “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới lấy đựơc Thượng Đức”. Kể từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Thượng Đức trở thành điểm xuất phát các cuộc hành quân lấn chiếm của Quân đội Sài Gòn, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Quảng Đà và Khu 5.
Mùa Thu năm 1974, BTL Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức nhằm thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch; giải phóng gần 15 ngàn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa của địch… tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của Quân khu phát triển vả giành thắng lợi.
Lực lượng tác chiến trên hướng Thượng Đức gồm có: Sư đoàn 304, Trung đoàn BB3 (Sư đoàn 324), 2 tiểu đoàn Công binh của Lữ đoàn 219, Trung đoàn Pháo binh 68, 1 tiểu đoàn Đặc công, 1 đại đội hỏa tiễn B72, 1 đại đội tên lửa vác vai A72 (của Quân đoàn 2) và 2 tiểu đoàn Bộ đội địa phương Quảng Đà. Đây đều là những đơn vị đã trải qua trận mạc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu.
5 giờ ngày 29-7, trận tiến công quận lỵ Thượng Đức mở màn. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, các lực lượng của ta đã đánh chiếm được các mục tiêu ở ngoại vi và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng vẫn chưa thể tiếp cận tiêu diệt được mục tiêu chủ yếu của địch; hệ thống công sự vật cản của chúng gần như còn nguyên. Cuộc chiến quyết liệt kéo dài tới tận đêm vẫn chỉ đánh chiếm được các mục tiêu vòng ngoài.
Sau đợt tiến công được cho là không thành công, được sự chỉ đạo của BTL Quân khu 5 và BTL Quân đoàn 2, mờ sáng ngày 31-7, Sư đoàn 304 tiếp tục tổ chức tiến công chi khu Thượng Đức lần thứ hai. Tuy nhiên, sau một ngày chiến đấu quyết liệt, đợt tiến công thứ hai kết thúc mà mục tiêu chính là quận lỵ Thượng Đức vẫn chưa chiếm được.
Quyết đánh chiếm bằng được mục tiêu quan trọng này, ngày 6-8-1974, sau khi kiểm điểm rút kinh nghiệm, xốc lại đội hình, thay đổi cách đánh..., Sư đoàn 304 tiếp tục tổ chức tiến công lần thứ ba. Đợt tiến công này kéo dài đến trưa ngày 7-8 mới kết thúc.
Vậy là, phải sau 3 đợt tiến công và kéo dài tới hơn 9 ngày, Sư đoàn 304 mới đánh chiếm và giải phóng được hoàn toàn quận lỵ Thượng Đức – một mục tiêu mà theo kế hoạch ban đầu chỉ giải quyết trong vòng 2 ngày. Trận đánh diễn ra vô cùng quyết liệt; Bộ đội có quyết tâm cao, chiến đấu hết sức dũng cảm, không ngại hy sinh; cán bộ chỉ huy gương mẫu, luôn đi đầu trong các tình huống chiến đấu; các lực lượng phối thuộc đoàn kết nhất trí cao; chủ lực và các lực lượng tại chỗ đều phát huy hết khả năng của mình... song trận đánh đã phải kéo dài, thương vong lớn. Vì sao?
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là do công tác chuẩn bị chiến trường thiếu chu đáo, nắm địch chưa chắc, đánh giá địch thấp dẫn đến chủ quan, coi thường lực lượng Bảo an, Biệt động biên phòng. Sự chủ quan coi thường địch bộc lộ đến mức trước khi vào trận đánh, một số cán bộ, chiến sỹ còn bạo miệng tuyên bố: “Quân triều đình sẽ cạo trọc đầu Thượng Đức”.
Công tác tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu thiếu chặt chẽ. Điều này được thể hiện khá rõ ở việc ban đầu hiệp đồng giờ nổ súng tiến công không thống nhất, lực lượng binh hỏa lực vào chiếm lĩnh trận địa chậm dẫn đến làm mất yếu tố bí mật, bất ngờ của trận đánh. Có thể nói, trong trận đánh này nguyên nhân chưa đột phá được không phải do địch mạnh, mà do công tác tổ chức chỉ huy hiệp đồng của ta chưa tốt; công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu thiếu chặt chẽ nên 2 đợt tiến công đầu tiên đã không thành công, không tiến được vào trung tâm quận lỵ, trong khi lượng đạn dược tiêu thụ lớn, thương vong bộ đội cao.
Trong bất cứ trận đánh nào cũng vậy, việc tổ chức cửa mở và đánh chiếm lô cốt đầu cầu được coi là khâu then chốt. Vậy nhưng, trong trận Thượng Đức, lúc đầu do chuẩn bị không tốt nên sử dụng bộ phá rào FR không hiệu quả, một số bộ phá rào điểm hỏa không nổ, cái nổ được thì chỉ công phá được 2/3 hàng rào dẫn đến không khai thông được cửa mở. Trong trận đánh này, do hạn chế bởi điều kiện địa hình nên việc chọn hướng tiến công và điểm đột phá cũng chưa thật phù hợp. Việc xác định hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc đánh xuống tiền đồn A và hướng thứ yếu từ Tây Nam đánh lên rõ ràng là đánh vào chỗ mạnh của địch. Việc vận dụng phương pháp chiến đấu còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt; phải sau 2 lần tiến công chưa giải quyết được mục tiêu, Sư đoàn 304 mới thay đổi cách đánh phù hợp hơn và mang lại hiệu quả.
Thượng Đức là chi khu quân sự nằm sâu trong vùng địch kiểm soát với hệ thống trận địa liên kết chặt chẽ, vững chãi; xung - hỏa lực chi viện, ứng cứu nhanh chóng. Đây được coi là “cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng” từ phía Tây. Vậy mà, các cấp ủy, chỉ huy đã thiếu sâu sát, không kịp thời phát hiện ra những biểu hiện chủ quan, xem thường quân địch đang bộc lộ khá rõ trong hầu hết các đơn vị để có biện pháp chấn chỉnh, giáo dục. Đã vậy, một số cán bộ đi trinh sát đã không vào sát hàng rào, một số còn không nắm chắc đơn vị.
Phải trả giá đắt sau 2 lần tiến công không thành công, các cấp ủy, chỉ huy mới nhận ra khuyết điểm, kịp thời sửa chữa rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch tác chiến và cách đánh; đồng thời động viên bộ đội tập trung mọi nỗ lực giải quýết dứt điểm mục tiêu quận lỵ Thượng Đức.
Dẫu là trận đánh còn nhiều khiếm khuyết và được cho là không thành công, song dẫu sao việc giải phóng được quận lỵ Thượng Đức không chỉ đập tan “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài của Căn cứ Liên hợp Quân sự Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng thể hiện sự vượt trội giữa Quân giải phóng miền Nam trước Quân đội Sài Gòn.
Trần Việt Anh - Viện LSQS Việt Nam