Hiện tại, con số trên nhiều khả năng lại tiếp tục trở nên "lạc hậu" bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn đang trên đà bứt phá. Tính đến trung tuần tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 183 tỷ USD, tăng 21,3% (tương đương mức tăng thêm 32,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ chuyển động tích cực trên, nên nền kinh tế đã xuất siêu hơn 1,2 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện thoại... đang duy trì tốt phong độ. Cá biệt có một vài mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao, như gạo đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 21%; rau quả đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả năm sẽ đạt 34 tỷ USD. Nhìn chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản đang có sự chuyển dịch lớn, trên diện rộng và thu được kết quả đáng ghi nhận, sẽ có tác động tích cực, lâu dài đối với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung thông qua việc nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp Việt. Đây là thực tế rất có giá trị, giúp nông dân hướng tới lợi nhuận cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trong tương lai. Tín hiệu vui cho ngành nông sản là sự gia tăng xuất khẩu trở lại của mặt hàng gạo sau một thời gian dài gặp khó khăn, gạo hiện đang có hấp dẫn trở lại vào các thị trường truyền thống như Ma-lay-xi-a, Bang-la-đet, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm hàng chế biến thường xuyên chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, thể hiện rõ nét sự thay đổi về cơ cấu sản xuất trong nước theo hướng công nghiệp hóa, cũng như sự gia tăng về sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo thông lệ, tốc độ xuất khẩu luôn tăng mạnh hơn vào quý IV, tập trung vào tháng 11 và 12 do các doanh nghiệp tăng cường sản xuất để hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu, trong khi mức xuất khẩu trung bình thường đạt giá trị 19 tỷ USD/tháng. Như vậy, từ nay đến hết năm nền kinh tế có khả năng đạt thêm khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tạo cơ sở để gặt hái thành công.
Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ la tinh... Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, làm chủ tình hình, không mất cảnh giác trước một số nguy cơ có thể nảy sinh như thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu nhiều gạo, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ... của ta, nhưng đã có trường hợp gặp rủi ro, tranh chấp trong thanh toán; Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu còn nhiều hạn chế, cụ thể, các mặt hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử vẫn đang đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị chung; ta chủ yếu làm gia công, còn khâu đạt giá trị cao hơn như thiết kế, thương hiệu… thì chưa làm được. Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được xây dựng đầy đủ nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Nhóm nông sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sản phẩm xuất khẩu mới ở dạng thô. Mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút đầu tư FDI chính là chuyển giao công nghệ, thế nhưng đến nay, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nếu có thì cũng chứa đựng những rủi ro khi tiếp nhận các công nghệ cũ do các nước dịch chuyển lên trình độ công nghệ mới.
Bộ Công thương dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 18,9% so với năm trước, tức đạt 210 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt, là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bài và ảnh: Sơn Hồng