Những tiếng nói tâm huyết gửi về Đại hội: Giữ vững và phát huy tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Ðảng

Nguyễn Doanh Sáu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Điều mà đông đảo hội viên cựu chiến binh chúng tôi ghi nhận là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng ta đã làm được rất nhiều công việc lớn, nhiều việc chưa có tiền lệ, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế và chăm lo đời sống cho nhân dân. Phấn khởi nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã phát huy hiệu quả cao, đem lại niềm tin cho các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận nỗ lực vượt bậc, quyết tâm to lớn của Trung ương Ðảng. Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức, sự hy sinh thầm lặng của bao người, chính là tài sản vô cùng quý báu để lại cho các nhiệm kỳ sau. Ðó là hệ thống chính trị được củng cố một bước, là nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng Ðảng được nâng cao, là uy tín, trách nhiệm và năng lực cầm quyền của Ðảng.

Cũng chính vì điều ấy, cá nhân tôi cũng như những cựu chiến binh ở phường Vân Phú mong muốn Ðại hội XIII của Ðảng bầu chọn được BCH Trung ương nhiệm kỳ mới tâm huyết, giữ vững tinh thần đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng để xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh như nhiệm kỳ qua. Các cấp ủy đảng nhiệm kỳ mới cần giữ vững, phát triển, phát huy những giá trị cao đẹp của Ðảng, cần tiếp tục con đường xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cần chống tham nhũng thật hiệu quả ở tất cả các cấp, gạt sang một bên những ai bàn lùi, những ai chùn bước trước khó khăn, thách thức. Tôi cũng mong muốn nhiệm kỳ mới, những địa phương nào không có tinh thần đổi mới, những địa phương nào không dám nghĩ, dám làm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó sẽ bị cho thôi chức vụ. Những sai phạm từ nhiều năm trước, cũng như những sai phạm mới phát sinh, đều phải xử lý nghiêm minh. Kỳ vọng của nhân dân đối với Ðảng trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước.

NGUYỄN DOANH SÁU

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên biển

Kinh tế biển của chúng ta ngày càng thể hiện được vị thế của mình trong nền kinh tế. Mới đây, tôi rất mừng khi nghe chuyện cá ngừ của Khánh Hòa đã xuất khẩu được vào những thị trường rất khắt khe, mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nghe tuyên truyền về việc Ðảng và Nhà nước xác định vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế, an ninh - quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã có Nghị quyết số 36 - NQ/TW ngày 22-10-2018 “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược biển, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức như sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học; sự suy thoái môi trường...

Thực tế, hiện nay ngư dân đi biển phần lớn vẫn sử dụng tàu gỗ, do quá trình bảo quản chưa tốt cho nên giá bán sản phẩm thấp, chi phí cao. Tôi thấy trước đây chúng ta thực hiện mô hình tàu mẹ - tàu con nhưng nay không thấy nữa. Tàu mẹ cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Tàu con không phải vào bờ tiếp nhiên liệu, bán sản phẩm mà cứ liên tục đánh bắt tại ngư trường. Theo tôi, Ðảng, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa những mô hình, những đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, hiện đại; thành lập các trung tâm hậu cần nghề cá để nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân.

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân Trường Sa chúng tôi đã khấm khá hơn trước. Hướng tới, cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện sản xuất tốt hơn nữa cho người dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Do ở xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn, cần có chính sách đặc biệt để người dân Trường Sa ổn định, nâng cao đời sống. Bản thân tôi đang tham gia lực lượng dân quân bảo vệ biển. Tôi nghĩ, đây là nhiệm vụ rất thiêng liêng, góp chút sức lực nhỏ bé của mình thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Ðảng và Nhà nước ta.

Lê Xuân Việt

(Tổ dân phố Trường Lâm, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Quan tâm nhiều hơn người có công với cách mạng

Tôi sinh ra ở một làng quê giàu truyền thống yêu nước thuộc tỉnh Quảng Bình. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, quê hương tôi trở thành “túi bom”, “tuyến lửa”. Nhiều cán bộ, đảng viên đã hy sinh, trong đó có người thân của gia đình tôi. Khi đất nước hòa bình thống nhất, nhất là những năm gần đây, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm tới những người có công, thể hiện sự tôn vinh và tri ân, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với cống hiến của những người có công với cách mạng. Sự quan tâm, chăm sóc đó là phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước và người dân cũng không mong mỏi gì hơn ngoài sự ghi nhận. Một bằng khen, một huy chương chắc chắn sẽ trở thành nguồn động viên vô giá với người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công vẫn còn những hạn chế. Vẫn còn những trường hợp người có công với cách mạng chưa được xác nhận; số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo. Việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

Gửi gắm niềm tin tới Ðại hội XIII của Ðảng, tôi mong muốn các đại biểu bàn thảo, tiếp tục có giải pháp quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ðẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách. Phát động phong trào chăm sóc người có công, chăm lo ổn định đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nhất là đối tượng chính sách neo đơn, già yếu. Ðồng thời khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế gia đình.

Lê Thị Thu

(Thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)