Những thói quen gây bệnh trĩ ngoại
Nguyên nhân gây trĩ ngoại?
Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Nhâm-Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, nguyên nhân gây trĩ ngoại khá đa dạng, trong đó do nghề nghiệp (đứng nhiều, ngồi lâu) và thói quen đi đại tiện (ngồi lâu, rặn nhiều...). Một số người bị trĩ ngoại còn liên quan đến chế độ ăn uống (ăn ít rau, trái cây, ngại ăn canh, uống rất ít nước...). Những lý do này càng dễ gây táo bón kéo dài, rất dễ mắc trĩ, trong đó có bệnh trĩ ngoại. Bên cạnh đó người có thói quen ăn cay, uống nhiều rượu, bia, dùng nhiều chất kích thích có thể là những nguyên nhân thuận lợi cho bệnh trĩ phát triển. Một số người do béo phì, thừa cân, vận động khó khăn cũng là một trong các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ngoại, bởi vì, hoạt động thể lực suy giảm sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của hệ tuần hoàn gây nên tụ máu cục bộ hoặc mao mạch ở những vị trí thường xuyên bị tác động như mao mạch vùng hậu môn sẽ phồng to rất dễ trở thành trĩ ngoại.
Trĩ ngoại thường có biểu hiện như thế nào?
PGS,TS Nguyễn Mạnh Nhâm cho biết, bệnh trĩ ngoại có các mức độ khác nhau, loại do tắc và vỡ các tĩnh mạch ở hậu môn gây căng tức, rất đau và có thể chảy máu. Trĩ ngoại có thể bị viêm nhiễm, nhất là loại xảy ra ngay tại nếp gấp ở cửa hậu môn gây nên hiện tượng phù nề, đau đớn, cho nên mỗi lần đi đại tiện rất khó khăn. Với người bệnh bị trĩ ngoại có kèm theo táo bón, càng đi đại tiện càng đau, cho nên ngại đi đại tiện, vì vậy, càng gây táo bón và do đó bệnh trĩ càng ngày càng nặng thêm. Loại trĩ ngoại phức tạp nhất là loại do tĩnh mạch căng, phồng hoặc bị gập. Loại này thường gây ra đau đớn, chảy máu khi đi đại tiện, gây khó khăn cho việc vệ sinh hậu môn, thậm chí gây tắc hậu môn đôi khi phải cấp cứu.
Bệnh trĩ ngoại kéo dài sẽ rất đau mỗi lần đi đại tiện và ra máu, các tĩnh mạch ở hậu môn giãn to tạo thành các búi trĩ thòi ra ngoài hậu môn. Một số người bị trĩ ngoại có biến chứng sa búi trĩ ra ngoài gây chảy máu, nhiễm khuẩn, khó chịu khi đi lại, lúc đi đại tiện và có thể ảnh hưởng đến khả năng tình dục (giảm khoái cảm). Trĩ ngoại càng để lâu không được chữa trị càng dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phần phụ ở nữ giới và có thể gây nhiễm khuẩn huyết.
Phòng bệnh trĩ như thế nào?
Để phòng bệnh trĩ, PGS,TS Nguyễn Mạnh Nhâm khuyên cần ăn uống hợp lý (ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, ăn thêm trái cây, uống đủ lượng nước hằng ngày (từ 1,5-2,0 lít). Cần uống mỗi lần ít một và uống dàn đều mới có hiệu quả (tất nhiên không uống vào lúc trước khi đi ngủ buổi tối). Vì nghề nghiệp phải đứng, ngồi lâu, nên thay đổi tư thế lúc giữa giờ, lý tưởng nhất là được nghỉ giải lao giữa giờ để tập vận động cơ thể. Mỗi lần đi ngoài không nên ngồi lâu, tránh hiện tượng ngồi đọc sách, báo... khi đi đại tiện. Người đang bị trĩ không nên uống rượu, bia và không ăn các loại gia vị có tính chất kích thích (ớt, hạt tiêu,...). Cần vận động cơ thể mỗi ngày bằng các hình thức khác nhau tùy điều kiện của từng người, nhất là người thừa cân, béo phì.
Thành An