Những thói quen chết người
Để giải quyết tình trạng phơi thóc trên đường giao thông và đốt rơm rạ ven đường, trên đồng gây tai nạn giao thông và lãng phí nguồn nguyên liệu đa dụng này, Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã ngăn chặn nhưng kết quả vẫn chưa được như ý. Tại nhiều địa phương, tình trạng này trở thành “đến hẹn lại lên”. Đáng báo động hơn, từ tình trạng đốt bỏ rơm rạ ngoại thành đã làm gia tăng nhiệt độ, làm ngột ngạt không khí ở khu vực nội thành. Người tham gia giao thông hầu hết đều bị cay mắt, khó thở. Khói từ rơm rạ cháy làm hạn chế tầm nhìn của các lái xe, cùng với việc lấn chiếm đường giao thông của việc phơi thóc trên đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông. Không còn là nguy cơ nữa mà mới đây, trên tuyến cao tốc T.P Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra một số vụ va chạm liên hoàn giữa hàng chục ô tô ở cả hai hướng mà nguyên nhân là do người dân đốt rơm rạ ven đường. Theo các lái xe và lực lượng chức năng, những ngày này người dân các địa phương bước vào vụ thu hoạch lúa, nên các tuyến đường cao tốc đang bị ảnh hưởng trầm trọng, tình trạng đốt rơm rạ gây khói mù mịt vẫn tiếp diễn, lái xe phải giảm tốc độ tối đa. Nhiều năm nay, cứ đến mùa gặt, là người dân nội thành Hà Nội ít nhiều lại sống trong cảnh sương mù, không khí ngàn ngạt, khó thở...
Từ các hiện tượng đốt rơm rạ trên đồng, người dân cho rằng, việc này nhiều tiện lợi do hiện nay rất ít gia đình nuôi trâu bò, đất để tích rơm rạ cũng hiếm; đốt rơm rạ tại đồng không tốn công, tốn của, lại diệt được mầm mống dịch hại. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ rõ, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng làm mất chất dinh dưỡng của đất; làm đất biến chất, chai cứng hơn. Rơm rạ là nguyên liệu đa dụng, không phải là rác thải, cho nên, đốt rơm rạ vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường. Trung bình 1ha lúa cho 10-12 tấn rơm rạ, với khoảng 4 triệu héc-ta đất trồng lúa trên cả nước, hàng năm lượng rơm rạ thải ra lên tới 76 triệu tấn, nếu chuyển đổi ra năng lượng tương đương với 20 triệu tấn dầu gây lãng phí nguồn chất hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón. Một biện pháp hay là hiện nay, nhiều địa phương sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó rơm rạ sẽ được cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng, sau một thời gian sẽ mục nát thành nguồn phân hữu cơ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào khí quyển.
Vấn đề hiện nay là ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân thì cần các biện pháp quyết liệt hơn như ký cam kết và thực hiện cam kết không đốt rơm rạ quanh khu vực quốc lộ, tỉnh lộ; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch như làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất bột giấy, đệm lót hàng hóa và đem rơm rạ ở các vùng lân cận đi tiêu thụ tại các vùng khô hạn như tỉnh Ninh Thuận làm thức ăn cho trâu bò; hoặc nếu có thể, tổ chức xuất khẩu sang các nước có nhu cầu, biến rơm rạ thành hàng hóa... Những việc này nhiều khi vượt quá khả năng người nông dân, rất cần sự vào cuộc tổ chức thực hiện của cơ quan chức năng. Vấn đề phơi thóc trên đường và đốt rơm rạ trên đồng mất an toàn giao thông không thể mãi là “chuyện nhỏ”.
Hải Quang