Những thầy, cô giáo tâm huyết với trẻ khuyết tật
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao tặng Bằng khen và kỷ niệm chương cho các thầy - cô giáo.
Câu chuyện về thầy Võ Duy Quang - 27 tuổi, giáo viên Trường Khiếm thính ở Lâm Đồng khiến cả hội trường rưng rưng. Hành trình thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo của thầy đong đầy mồ hôi và nước mắt. “Ngọn nến nào cũng có thể thắp sáng, dù thẳng hay cong”, khi nghĩ được như vậy, thầy Quang đã không cho phép mình bỏ cuộc. Và bây giờ, bằng sự đồng cảm, thầy lặng lẽ đi thắp sáng những ngọn nến cong khác, ở chính mái trường đã nuôi dưỡng ước mơ, để nối tiếp sự nghiệp của những người đã nâng bước mình trưởng thành. Trăn trở của thầy Quang là hiện nay vẫn chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ngoài bậc tiểu học, các em cũng không có các cấp học cao hơn để tiếp tục học tập, rèn luyện.
*Thầy Võ Duy Quang và học trò.
*
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu - Trung tâm giáo dục dạy nghề trẻ khuyết tật tỉnh Nghệ An cho biết: Tài liệu, sách giáo khoa cho trẻ khiếm thính có, nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu. Hiện, chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình, nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hằng ngày. Cô Liễu cũng chia sẻ thông tin rằng học sinh khuyết tật học nghề may, nhưng đến các xí nghiệp thì thường bị từ chối. Cô rất mong các cấp, các ngành sớm có cơ chế cụ thể để các em được nhận vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp.
Niềm hạnh phúc của mỗi thầy - cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ. Và khi được hỏi về ước muốn của mình, thầy giáo Nguyễn Thái Dương - Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk mong rằng: Sẽ có thêm những chính sách để hỗ trợ trẻ khuyết tật được học tập, hoà nhập tốt hơn, các em có thể tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.
Còn với cô Phạm Thị Thu Thanh - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, T.P Hồ Chí Minh: Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn nghề giáo, nhất là được dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt. Dù cho ngày này 10 năm trước, cô đã khóc nấc khi cầm trên tay quyết định về công tác tại trường Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí giấu bố mẹ vì sợ gia đình lo lắng. Chính tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên trở thành người có ích của những học trò khiếm thị là động lực để cô không từ bỏ công việc. Bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, cô Thanh và nhiều giáo viên khác đã tiếp thêm nghị lực để các học trò chưa may mắn thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước.
Những lời tâm sự đầy xúc động về những tình cảm mà các em học sinh khuyết tật dành cho cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu - giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình, người đã gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với các em học sinh khuyết tật từ năm 1985 tới nay. Những đại biểu dự chương trình không khỏi xúc động khi chứng kiến những lời nói có khi còn bập bẹ của các em tự kỷ, chậm phát triển, hay hình ảnh trái tim làm bằng tay của những em khiếm thính để gửi gắm tình cảm yêu thương đến các thầy cô của mình.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy - cô” năm 2018, đã truyền đi những câu chuyện xúc động về tình thầy trò đặc biệt, tuy “không được biểu hiện bằng những giác quan thông thường” nhưng vẫn luôn trọn đầy và ấm áp.
Đình Nam