Phong trào xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hình như: Hội viên Nguyễn Văn Thơ, chi hội thôn 3, xã Phúc Lộc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở về, từ số vốn tiết kiệm của gia đình, ông đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, ô tô, phát triển cơ sở sản xuất gỗ ván bóc hiện đại. Mỗi ngày sản xuất từ khoảng 10m3 gỗ, mỗi tháng trừ chi phí còn 20 đến 25 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ người/ tháng .
CCB thương binh 3/4 Trần Văn Sáng, thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh, nhận thấy kinh doanh vận tải có nhiều tiềm năng, ông vay vốn mua 2 xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa. Khi trả hết nợ và có thêm vốn, ông mua máy ép gạch bê tông để tạo việc làm cho con cháu trong gia đình. Mỗi tháng cơ sở sản xuất và bán từ 3 đến 4 vạn viên gạch ra thị trường. Ông còn đầu tư mua thêm 2 máy xúc để san tạo mặt bằng cho nhân dân trồng trọt và chăn nuôi phát triển kinh tế. Với mô hình kinh doanh vận tải, máy xúc, gạch không nung, hằng năm trừ chi phí gia đình CCB Trần Văn Sáng thu nhập hằng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
CCB Hoàng Văn Nắng, tổ 2, phường Hợp Minh, năm 2006, vay vốn ngân hàng và người thân để mua 5 ha đồi rừng phát triển kinh tế trang trại. Trong đó, chú trọng phát triển cây lâm nghiệp và cây ăn quả có múi. Ông trồng hơn 3 ha bồ đề, keo; trên 1.200 gốc chanh tứ thời, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng; làm ao thả cá với diện tích 1.500m2 và làm chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Đến nay trang trại đã cho thu hoạch. Riêng cây chanh tứ thời thu gần 1,5 tấn quả. Những ha keo, bồ đề đang chuẩn bị khai thác. Cuộc sống, kinh tế của gia đình ổn định, ông mở rộng trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn để cung cấp sản phẩm sạch cho nhân dân.
Hội viên CCB, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Quang Yêm, thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Tiến xây dựng được 2 lò đốt gạch nung, với công suất 1,5 triệu viên/ năm, trừ các khoản chi phí cho nguồn thu ổn định mỗi năm trên 300 triệu đồng. Để đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, ông Yêm còn đầu tư mua ô tô tải trị giá trên 300 triệu đồng chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ năm 2009 gia đình ông đầu tư 700 triệu đồng mua máy xúc và mở thêm dịch vụ khai thác cát sỏi. Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình CCB, thương binh Nguyễn Quang Yêm tạo việc làm ổn định cho 30 lao động. Gia đình CCB Cấn Đình Quyết thôn 4, xã Phúc Lộc, nhiều năm qua đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, bao gồm chăn nuôi lợn hướng nạc, kinh doanh dịch vụ, phát triển trồng rừng. Ông tận dụng 1.500m2 đất bãi để trồng mía năng suất, chất lượng cao, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ngoài ra còn các hội viên Nguyễn Văn Hoan (phường Đồng Tâm) là Giám đốc Công ty chè Bảo Ái, tạo việc làm cho 30 lao động. CCB thương binh Nguyễn Trọng Hùng (phường Yên Thịnh) làm giàu cho gia đình và xã hội từ chăn nuôi và dịch vụ...
Vừa qua, Hội CCB tỉnh và TP Yên Bái đã khen thưởng 27 tập thể và 35 cá nhân có thành tích giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.
Duy Phương