Những tấm gương bất khuất
Hình ảnh tái hiện sự tra tấn tù nhân.
“…Thân ngã xuống thành đất đai sông núi/ Hồn bay lên thành linh khí quốc gia…”.
Chúng tôi bắt gặp rất nhiều du khách trong và ngoài nước đứng rất lâu trước một văn bia với 2 câu thơ bất hủ để nhắc về quá khứ hào hùng tạc vào lịch sử của những anh hùng liệt sỹ đã giữ vẹn khí tiết người Cộng sản và đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc.
Ông Michel VinCent, du khách đến từ Pháp xúc động nói: “Đến đây mới thấu hiểu hết sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương của đất nước các bạn quá bi hùng mà không phải nơi nào cũng có thể làm được. Những tù nhân Cộng sản Việt Nam tại đây quả là những con người có trái tim bằng thép, có những cái đầu bằng thép. Thật không thẻ tưởng tượng được chí khí của họ. Chúng tôi quá khâm phục và sẽ kể lại những câu chuyện huyền thoại này với bè bạn, người thân”.
Trong một lần về thăm lại nhà tù Phú Quốc - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã từng bị giam cầm và tra tấn tại đây, xúc động cho biết: “...Tôi rất nhớ thương những đồng đội đã từng bị giam cầm và hy sinh tại địa ngục trần gian này, hơn 4.000 đồng chí đã ngã xuống cho độc lập, tự do của đất nước. Họ quá vĩ đại”.
Huyện đảo Phú Quốc có diện tích khoảng 600km vuông, cách T.P Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khoảng 115km. Tính trung bình, trong khoảng 40.000 tù nhân bị giam giữ tại đây có khoảng 12.000 tù nhân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, 20.000 tù nhân là dân quân du kích xã, ấp và cán bộ chính trị... Cứ sau mỗi lần thua trận trong những chiến dịch lớn trên các chiến trường, địch lại trút đòn thù lên những người tù binh ở Phú Quốc, với những thủ đoạn tàn bạo nhất mà chúng có thể tưởng tượng ra được.
Bà Chung Quán Hy, du khách đến từ Đài Loan cho biết “...Tội ác ở nhà tù Phú Quốc thật là man rợ, khủng khiếp. Tôi không hiểu vì sao họ lại tàn độc đến như vậy và lại càng không hiểu vì sao những tù nhân ở đây lại có sức chịu đựng phi thường đến thế...”.
Năm 1949, khi quân Quốc dân đảng bị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh bại, 30.000 quân bại trận chạy sang Việt Nam, rồi được Pháp đưa ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc. Năm 1953, họ về Đài Loan, bỏ lại nhà cửa, đồn điền, Thực dân Pháp tận dụng lập ra nhà tù rộng khoảng 40ha, gọi là "Trại tù Cây Dừa" để giam giữ 14.000 tù binh tại 4 khu nhà giam A, B, C, D. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng mới Trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa, nhưng diện tích chỉ khoảng 4ha. Chúng gạn lọc, chuyển hết tù chính trị sang Côn Đảo hoặc về đất liền, chỉ còn tù binh ở lại. Trại tù ở Phú Quốc có nhà giam riêng tù nam, nhà giam tù nữ, nhà giam phụ lão. Năm 1966, trại giam được mở rộng hơn 400ha, gồm 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D, với hơn 400 nhà giam, chúng đặt tên nhà tù là “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc”.
Để canh gác khu trại giam, chung quanh mỗi khu giam có một pháo đài canh gác có đặt súng đại liên; tại cổng chính của khu giam có 2 vọng gác; 1 vọng tổng kiểm soát các đốc canh, 2 giờ thay phiên gác một lần, gác liên tục 24/24 giờ; 2 xe tuần tra liên tục quanh khu giam; ban đêm còn có các toán lính vào vòng rào giới hạn để kiểm soát lưu động tại các phân khu và 10 vọng gác di động. Lực lượng canh giữ trực tiếp trại giam gồm 4 tiểu đoàn quân cảnh, một liên đội địa phương quân, một đại đội công binh, một đơn vị hải thuyền và một đội quân cảnh khuyển (chó) chuyên nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Vọng (ngụ tỉnh Bến Tre, từng bị giam giữ tại đây trong những năm 1970-1973) kể lại: “Trong các nhà giam, tù nhân luôn bị tra tấn rất dã man bằng các hình thức như: Đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao tải ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống, "ăn cơm nhạt", "lộn vỉ sắt"...
Chỉ riêng từ tháng 6-1967 đến tháng 3-1973, hơn 4.000 tù binh đã bị giết tại đây, hàng chục ngàn người khác bị thương tật suốt đời, đau thương, mất mát nhiều lắm. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhà tù Phú Quốc được phục dựng thành Khu Di tích lịch sử (DTLS) để du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan, cảm nhận phần nào những nỗi đau mà hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng phải chịu đựng để góp phần giải phóng quê hương.
Năm 1995, Khu DTLS Nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích cấp Quốc gia, nay là Di tích Đặc biệt cấp Quốc gia. Tại đây có tượng đài hình nắm tay, là biểu tượng của sự đàn áp khốc liệt và tinh thần hiên ngang vùng lên phá xiềng của tù binh Phú Quốc. Nghĩa trang liệt sĩ, và khu Trại giam tù binh Phú Quốc được phục dựng, bên cạnh đó còn nhiều hạng mục phụ khác.
Tới Khu DTĐB cấp Quốc gia Nhà tù Phú Quốc hôm nay, du khách sẽ thấy một không gian thật tĩnh lặng, trầm hùng. Đâu đó trong gió, trong mây, trong sóng biển ầm vang vẫn thấp thoáng ẩn hiện hình dáng những chiến sĩ kiên cường đội ngũ chỉnh tề, trùng trùng, điệp điệp hát vang bài ca “...Vì miền Nam quên mình, vì miền Nam hy sinh...”.
TÔ PHỤC HƯNG