Những nỗ lực vượt khó của ngành Y tế
Ngành Y tế những năm qua phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách…Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của mình, đến nay công tác khám, chữa bệnh trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ trong cả nước, thực hiện Đề án 1816, trong thời gian qua, 35 bệnh viện lớn tuyến T.Ư, đặc biệt như các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện T.Ư Huế… đã cử hàng nghìn lượt cán bộ là các giáo sư, bác sĩ tay nghề cao đi luân phiên công tác hỗ trợ 108 lượt bệnh viện tuyến tỉnh. Ở các địa phương miền núi, vùng cao, chuyển giao 292 lượt kỹ thuật cao, tổ chức 148 lớp tập huấn, đào tạo năng lực cho 4.664 cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao trình độ chuyên môn. Không chỉ các bệnh viện T.Ư tăng cường giúp cho các bệnh viện cấp tỉnh, các bệnh viện tuyến dưới cũng tăng cường các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cơ sở y tế thuộc địa bàn. Báo cáo của 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã cử 4.661 cán bộ có năng lực cao của mình đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện, chuyển giao 3.299 lượt kỹ thuật, tổ chức 2.799 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho 57.937 lượt cán bộ y tế tuyến huyện.
Những kết quả to lớn của ngành y tế trong cả nước qua thực hiện Đề án 1816 đã giúp nâng cao một bước chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ cán bộ Y tế tuyến dưới tại các địa phương, giảm bớt đáng kể các sai sót chuyên môn. Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, những năm qua ngành y tế cũng rất chú trọng nâng cao y đức cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế qua công tác giáo dục tuyên truyền, thực hiện nghiêm kỷ luật “nói không với phong bì”, giảm phiền nhiễu cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân; tuy chưa hết hẳn nhưng chuyện vòi vĩnh phong bao phong bì đã giảm đáng kể tại các bệnh viện, được người bệnh khen ngợi.
Tình trạng quá tải bệnh viện thời gian qua tưởng như là bệnh kinh niên. Hầu như tại tất cả các bệnh viện lớn tuyến T.Ư thường xuyên quá tải với tình trạng một giường bệnh chen chúc hai-ba người bệnh, dẫn đến nhiễm khuẩn chéo, mất vệ sinh, mất an ninh trật tự trong bệnh viện thì nay đã giảm nhiều. Trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Y tế đã đặt vấn đề chống quá tải bệnh viện là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình công tác với nhiều giải pháp thiết thực, quyết liệt; đến nay trong cả nước đã có 14 bệnh viện ký cam kết và thực hiện không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Các bệnh viện tuyến T.Ư đã tăng hơn 4.800 giường, nhất là các bệnh viện thường xuyên có đông người bệnh đến khám và điều trị, điển hình như Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam tăng 600 giường; Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) tăng 700 giường; Bệnh viện Nội tiết T.Ư tăng 500 giường bệnh; một số bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương-chỉnh hình đã được xét duyệt đầu tư xây dựng cơ sở 2. Cuối năm 2014 vừa qua đã có thêm 3 bệnh viện hiện đại được khởi công xây dựng với tổng quy mô 3.000 giường bệnh là Bệnh viện Nhi Đồng tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đến nay, đã có 11 bệnh viện vệ tinh giảm được tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên, nhiều bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật cao chữa trị cho người bệnh, 8 tỉnh và thành phố thực hiện Đề án Bác sĩ gia đình…
Mặc dù khó khăn còn rất nhiều, công việc cần làm là rất lớn nhưng những kết quả đạt được của ngành Y tế thời gian qua là rất đáng trân trọng; đâythực sự là những cố gắng rất lớn của ngành Y tế nước nhà với sự quan tâm, đầu tư to lớn của Đảng, Nhà nước để cùng vượt khó, phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp chăm sóc,bảo vệ sức khỏe nhân dân.
HÙNG MẠNH