Những nhà văn chiến sĩ viết sách tri ân

CCB Nguyễn Khắc Nguyệt và Vũ Công Chiến chia sẻ với các đại biểu tại buổi giao lưu.

Chương trình giao lưu, tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” do Thư viện Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức ngày 10-4 để lại ấn tượng và có ý nghĩa sâu sắc với đoàn viên, thanh niên Quân đội và bạn đọc. Tham gia giao lưu là hai nhà văn, nhân chứng lịch sử: Đại tá, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, đơn vị đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 và CCB Vũ Công Chiến - Trung đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A.

Dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến ngày 30-4-1975 lịch sử, vẫn dạt dào cảm xúc, ký ức về thời chiến đấu hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trên gương mặt của người lính già.

Với CCB Nguyễn Khắc Nguyệt, sau giải phóng, ông được đi học và tiếp tục công tác tại Binh chủng Tăng thiết giáp đến năm 2008 nghỉ hưu. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghiệp viết, ông kể: Sau niềm vui của ngày chiến thắng là nỗi niềm thương tiếc những đồng đội hy sinh. Ông luôn tâm niệm, mình còn được sống đến hôm nay là nhờ sự hy sinh của họ. Vì vậy, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông quyết định dành phần đời còn lại của mình để trả món nợ đó.

Quyết tâm là vậy nhưng hành trang khi bước vào nghiệp viết của ông chỉ là một con số không tròn trĩnh. Vì vậy, ông xác định, nghề không có thì mình viết về những gì gần gũi nhất, mình hiểu biết sâu sắc nhất. Thế là ông quyết định viết về đơn vị ông. “Đại đội 4 có rất nhiều chuyện để tôi khai thác, đặc biệt cái kết của chặng đường chiến đấu, là húc cổng Dinh Độc Lập, cắm cờ giải phóng ngày 30-4-1975. “Hành trình đến Dinh Độc Lập” - cuốn sách đầu tay của tôi, là nguồn khích lệ, động viên tôi hãy “liều”hơn nữa. Năm 2015, cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ phát hành với tựa đề thêm mấy từ “Bút ký lính tăng”.

Ông đã cho ra đời 16 đầu sách. Năm nay, “Bút ký lính Tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập” tái bản lần thứ ba và “Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo” được Nhà xuất bản Trẻ chọn đưa vào bộ sách Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn CCB, nhà văn Vũ Công Chiến là người lính của thế hệ “tài hoa ra trận” năm xưa. Ông nhập ngũ ngày 4-9-1971, cũng là lúc ông có giấy gọi vào học Đại học Bách khoa Hà Nội. Được trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã có vốn tư liệu chân thực để tạo ra tác phẩm “Hồi ức lính” với một giọng văn rất riêng của Vũ Công Chiến. Ông kể: “Tôi viết cuốn sách này (từ tháng 11-2013, hai tháng sau thì nghỉ hưu), kể theo kiểu có gì kể nấy. Tôi bắt đầu viết khi cả nhà đi ngủ. Tôi ra một góc nhà, tắt đèn, nhắm mắt lại và bắt đầu nghĩ. Tôi đưa mình trở lại chiến trường năm xưa, vào đúng thời khắc, ngày, tháng của năm đó và bắt đầu hình dung. Khi người rung lên, đúng như tôi đang sống thời điểm đó thì bật đèn lên và viết. Tôi viết với tư cách là người trong cuộc, kể lại những ngày, tháng, năm đó tôi đã nhìn thấy, nghe thấy gì;đã làm gì và cảm xúc gì ở tại thời điểm đó?”.

Cuốn sách đầu tay “Hồi ức lính” được xuất bản năm 2016, lập tức trở thành một hiện tượng văn chương, giành nhiều giải thưởng văn học uy tín. Cuốn sách gom những câu chuyện về đời lính được ông kể lại theo trình tự thời gian, từ khi nhập ngũ, từ trận chiến đầu tiên, những lần bổ sung quân, chuyển hậu cứ mới, những trận đánh... đã mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực về sự mất mát trong chiến tranh và bản chất cao đẹp của người chiến sĩ...

Thông qua các câu chuyện cách đây nửa thế kỷ đượchai vị khách mời chia sẻ, Chương trình giao lưu, tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” đã góp phần tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên Quân đội tiếp tục rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Vũ Minh