Những người “vào hang bắt cọp”
CCB Trung đoàn Tên lửa 238, Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB T.P Hải Phòng
Đầu năm 1965, cùng với thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc; tập trung đánh phá chặn cắt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá phía nam Khu 4. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù Đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B.52, B.57 hay bê gì đi chăng nữa chúng ta cũng đánh, từng ấy máy bay Mỹ chứ nhiều hơn nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng lợi”, Trung đoàn tên lửa 238 (Đoàn tên lửa Hạ Long, thuộc Sư đoàn Phòng không 363, Quân chủng PK-KQ, thành lập ngày 1-4-1965) vinh dự được Đảng ủy, BTL Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ vào tuyến lửa Vĩnh Linh nghiên cứu tìm cách đánh B.52.
Tháng 5-1966, Trung đoàn 238 được lệnh lên đường, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung đoàn vượt qua hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, đường sá giao thông rất xấu, khí tài tên lửa cồng kềnh, số lượng lớn (1 tiểu đoàn tên lửa có 20 xe ô tô đầu kéo, bệ phóng tên lửa nặng 14 tấn…).
Quá trình chiến đấu tại Vĩnh Linh, Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt, để hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không lúc ấy đến thăm, kiểm tra, động viên, giao nhiệm vụ cho đơn vị, đã biểu dương Trung đoàn 238 làm được 3 kỳ tích anh hùng:
- Đưa được cả Trung đoàn cùng khối binh khí kỹ thuật khổng lồ vào tới chiến trường là một huyền thoại.
- Triển khai chiến đấu, đem cả khối binh khí, khí tài xuống lòng đất là 2 huyền thoại.
- Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài mà kẻ thù không phát hiện được là 3 huyền thoại, chỉ còn 1 huyền thoại nữa là bắn rơi B.52 trên đất Vĩnh Linh.
Không phụ lòng mong muốn của T.Ư Đảng và Bác Hồ, khắc phục mọi khó khăn, Trung đoàn dồn lực lượng của Tiểu đoàn 82 và Tiểu đoàn 84 xây dựng củng cố lại trận địa tại Nông trường Quyết Thắng, lấy mật danh là Trận địa T5 (tại xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), tập trung khí tài, phương tiện tốt nhất quyết tâm tiêu diệt B.52. Sau nhiều lần bắt trượt hoặc không bắt được mục tiêu, đến 17 giờ ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84 vào báo động cấp 1 bắt được mục tiêu B.52 đang ầm ì bên bờ nam sông Bến Hải. Lúc này trời mưa nhỏ, dưới chân bộ đội vẫn còn lớp nhớp bùn đất. Đúng 17 giờ, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 gồm sĩ quan điều khiển tên lửa Lê Hỷ và 3 trắc thủ đã phóng 2 quả đạn, tiêu diệt chiếc B.52 đầu tiên. Đến 17 giờ 34 phút, tốp B.52 thứ 3 bay vào; chỉ còn 1 quả đạn, Tiểu đoàn vẫn quyết đánh và với quả tên lửa đó đã bắn rơi thêm 1 chiếc B.52.
Mặt trận thông báo 2 máy bay B.52 bị tiêu diệt. Nhận được tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức gửi Thư khen đồng bào, chiến sĩ và cán bộ, nhân dân Vĩnh Linh: “Bác rất vui lòng được tin ngày 17-9-1967, Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc, lần đầu tiên bắn rơi 2 máy bay B.52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đã đánh giỏi bắn trúng, chiến thắng vẻ vang; Vĩnh Linh xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc XHCN”. Đồng thời, Bác quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84.
Sau này, cả pháo cao xạ 100 ly, máy bay MIG đều bắn rơi được máy bay B.52 và Trung đoàn tên lửa 238 còn bắn rơi thêm 7 máy bay B.52 nữa. Nhưng thành tích lần đầu tiên bắn rơi B.52 của không quân Mỹ đã trở thành mốc son chói lọi không chỉ của Trung đoàn 238, của Quân chủng PK-KQ, mà còn của cả toàn quân và toàn dân ta. Chiến công đó gây được tiếng vang lớn đối với bạn bè quốc tế, cổ vũ động viên quân và dân hai miền Nam - Bắc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hiện nay tại trận địa T5 lịch sử, đơn vị xây dựng tượng đài Chiến thắng B.52 là nơi giáo dục truyền thống bộ đội tên lửa Việt Nam anh hùng cho các thế hệ trẻ. Đại tá Lê Hỷ - nguyên sĩ quan điều khiển tên lửa người ấn nút phóng quả tên lửa bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đặc biệt, ngày 10-11-2010, di tích Trận địa tên lửa T5 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia.
Nguyễn Đức Toàn