Bốn năm, quãng thời gian chưa dài, nhưng kể từ Đại hội thành lập (tháng 6-2013) đến nay, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam thật sự đã là một tổ chức - một "sân chơi" của những người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nay trở thành những chiến binh quả cảm trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng đất nước, xóa đói giảm nghèo.
Trở về với cuộc sống đời thường trong bối cảnh đất nước qua mấy cuộc chiến tranh, lâm vào cảnh "đói nghèo trong rơm rạ", những người lính Cụ Hồ đã không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách tạo lập cuộc sống, làm ăm, làm giàu chính đáng. Và cũng trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu ấy, bản chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được tỏa sáng. Những doanh nhân CCB của chúng ta khi thành đạt ít nhiều trong sản xuất kinh doanh, đã không quên những đồng đội từng một thời vào sinh ra tử. Để rồi Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam ra đời. Ở đó, những doanh nhân CCB có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về vốn, môi trường sản xuất kinh doanh... Và cũng ở "sân chơi" này, những tấm lòng và vòng tay nhân ái lại bện kết với nhau trong các chương trình trình xã hội từ thiện, đặc biệt là các chương trình "Nghĩa tình đồng đội".
Từ một số ít CLB Doanh nhân CCB, Hội Doanh nhân CCB các tỉnh, thành - phố, sau khi Hiệp hội chính thức thành lập, nhiều Hội Doanh nhân CCB đã lần lượt ra đời. Đến nay đã có 30 tỉnh - thành phố có Hội Doanh nhân CCB và CLB Doanh nhân CCB. Ban Chấp hành Hiệp hội gồm 109 ủy viên. Hiệp hội và các Hội, CLB ở các địa phương đã làm tốt việc kết nối, động viên trên 7.200 doanh nghiệp trong cả nước do CCB làm chủ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật của Nhà nước. Vào những thời điểm kinh tế trong nước cũng như toàn cầu gặp khó khăn, mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước buộc phá sản hoặc ngừng sản xuất kinh doanh, thì doanh nghiệp CCB vẫn đứng vững và phát triển. Thành tựu lớn nhất mà các doanh nhân, doanh nghiệp CCB tạo lập được là ngoài ổn định, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng cho bản thân, các doanh nhân, doanh nghiệp CCB còn bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn CCB, con em liệt sĩ, thương binh, CCB...; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ tính riêng năm 2016, doanh thu của toàn Hiệp hội đạt được trên 50.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng; bảo đảm việc làm, thu nhập cho trên 150.000 lao động, trong đó có nhiều con em CCB và đối tượng chính sách. Thông qua Hiệp hội và Hội Doanh nhân CCB, nhiều doanh nghiệp CCB có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Hiệp hội; khắc phục được hạn chế của nhiều tổ chức Hội là đơn điệu trong hoạt động hội hè "xuân thu nhị kỳ" nặng về hình thức.
Với kết quả sản xuất kinh doanh đạt được và "Hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng chí đồng đội lúc thường cũng như khi ra trận", được sự động viên, kết nối của Hiệp hội và các Hội..., hằng năm các doanh nhân, doanh nghiệp CCB đã dành hàng chục tỷ đồng ủng hộ các Chương trình "Nghĩa tình đồng đội", từ thiện xã hội, dành tặng các đối tượng chính sách hàng trăm nhà tình nghĩa,... Chỉ với Chương trình "Tri ân đồng đội-Vang mãi khúc quân hành" do Hiệp hội phối hợp cùng Hội CCB Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh-liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2016), các cán bộ chủ chốt và các thành viên của Hiệp hội đã ủng hộ các chương trình xã hội - từ thiện trên 41 tỷ đồng... Trong năm 2016, các Hội và CLB Doanh nhân CCB đã tặng 218 Nhà tình nghĩa, 50 Nhà tình thương cho các đối tượng chính sách; riêng CLBCCB-CQN làm kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã dành trên 10 tỷ đồng cho hoạt động xã hội.
Thành tích có được là công sức, tình cảm, trách nhiệm của các thành viên, nhưng công đầu thuộc về những người sáng lập và giữ những vị trí chủ chốt của Hiệp hội - những người mà tôi mạo muội gọi là "Người vác tù và".
Nói "Người vác tù và", người ta thường nghĩ tới những người "bao đồng lắm nỗi", đa mang việc chuyện trời ơi đất hỡi...! Xin bạn đọc bỏ qua cho ý nghĩa tiêu cực này. "Vác tù và" đối với những "Thủ lĩnh" của Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam là sống hết mình vì bản thân và cũng trách nhiệm hết mình vì đồng chí đồng đội. Đến với Hiệp hội là đền với nghĩa tình đồng đội, là sự sẻ chia; cao hơn là sự hy sinh về sức khỏe, vật chất, thời gian... cho những việc làm cao đẹp. Hiệp hội là kết quả của sự tự nguyện. Tự nguyện đóng góp, tự nguyện sẻ chia niềm vui, nỗi nhọc nhằn, mà không mảy may một chút vụ lợi quyền hành, vai vế... Càng ở vị trí chủ chốt thì trách nhiệm càng nặng nề... Cũng vì vậy, "qua thực mục sở thị" mấy năm nay, tôi càng nể phục, trân trọng sự đóng góp lớn lao mà thầm lặng của các vị chủ trì Hiệp hội.
Là con liệt sĩ, lại trải qua những thăng trầm trong lập nghiệp, mưu sinh, được phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới, CCB Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty Gol Long Thành, đã dành nhiều tâm huyết cho việc thành lập Hiệp hội. Để rồi trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội, gần trọn nhiệm kỳ qua, Anh hùng Lê Văn Kiểm thực sự là cánh chim đầu đàn dẫn dắt Hiệp hội hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ và ngày càng phát triển. Là Chủ tịch Hiệp hội, kiêm Chủ tịch Quỹ "Nghĩa tình Doanh nhân CCB Việt Nam", Anh hùng Lê Văn Kiểm cũng là người đóng góp tài chính nhiều nhất cho các chương trình xã hội - từ thiện của Hiệp hội trong những năm qua. Năm 2015, Công ty Gol Long Thành của Anh hùng Lê Văn Kiểm đã tham gia 35 chương trình xã hội-từ thiện với số tiền ủng hộ trên 15 tỷ đồng. Với Chương trình "Tri ân đồng đội-Vang mãi khúc quân hành" năm 2016, Gia đình ông bà Lê Văn Kiểm-Trần Cẩm Nhung đã ủng hộ các Quỹ của Hiệp hội 21,5 tỷ đồng... Số tiền mà Công ty Gol Long Thành và gia đình Anh hùng Lê Văn Kiểm dành cho hoạt động xã hội-từ thiện đến nay là 500 tỷ đồng.
Là thương binh 2/4, nhưng sắt son lời dạy của Bác Hồ, AHLĐ Lê Hồng Quang bên cạnh trách nhiệm chăm lo đời sống của hàng nghìn cán bộ, công nhân Công ty bao bì 277 Hà Nội, tạo dựng thương hiệu của Công ty, vẫn không lơi trọng trách Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội, thay mặt Chủ tịch Lê Văn Kiểm, lo toan hoạt động tình nghĩa, đối nội, đối ngoại của Hiệp hội với biết bao công việc khó kể hết.
Nhiệt tình tham gia và đóng góp tích cực cho các hoạt động của Hiệp hội không thể không kể đến các Phó chủ tịch Nguyễn Đức Lạc, Vũ Ngọc Thuần, Lê Quốc Phong, Nguyễn Thị Mai, Đào Hồng Tuyển, Dương Công Minh, Nguyễn Trần Đoàn... Năm 2016, Công ty Phân bón Bình điền Long An, do CCB - thương binh Lê Quốc Phong làm Tổng giám đốc đã ủng hộ Quỹ "Tiếp sức đền trường" 7 tỷ đồng; đóng góp Quỹ "Tương lai Việt Nam", Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ "Bảo trợ trẻ em Việt Nam" và tặng Nhà tình nghĩa cho CCB với giá trị 5,5 tỷ đồng. Công ty Đồng Tiến (Đồng Nai) do CCB Vũ Ngọc Thuần làm Tổng giám đốc tặng 50 Nhà tình nghĩa (3 tỷ đồng), 50 Nhà tình thương (1,5 tỷ đồng), ủng hộ Quỹ "Khuyến học, khuyến tài" 2,5 tỷ đồng; riêng gia đình thương binh Vũ Ngọc Thuần ủng hộ Quỹ "Bảo trợ trẻ em Việt Nam" 500 triệu đồng.
Mặc dù là chủ doanh nghiệp ở thành phố biển Vũng Tàu, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng Phó chủ tịch Nguyễn Đức Lạc hầu như không thiếu vắng ở bất cứ sự kiện nào của Hiệp hội trên cả nước. Vừa đăng cai hỗ trợ Hội nghị tập huấn kinh tế của Hội CCB Việt Nam vào mùa hè 2015, đầu năm nay, CCB Nguyễn Đức Lạc đang tích cực chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị BCH Hiệp hội lần thứ 5 tại thành phố biển - nơi Doanh nghiệp Hải Phương của anh ngày càng xứng đáng là "Điểm hẹn nghĩa tình". Thật thú vị, mấy chữ thân thương, dung dị "Hải Phương - điểm hẹn nghĩa tình", là tên bài báo tôi viết sau khi dự Hội nghị ở Vũng Tàu vào mùa hè năm ấy. Nguyễn Đức Lạc cùng Hải Phương của anh đang dang rộng cánh tay đón đồng đội, bạn bè.
Cùng với Nguyễn Đức Lạc là các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Hiệp hội: Lê Đức Toàn, Trịnh Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Thùy, Nguyễn Thị Bảo Hiền, Nguyễn Thủ Thường, Hoàng Phi Thường, Trần Mạnh Báo... - những doanh nhân CCB thành đạt cũng đã và đang dành tâm lực đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội xứng đáng là điểm tựa của các doanh nhân, doanh nghiệp CCB, là nơi hội tụ và tỏa sáng nghĩa tình lính cựu Cụ Hồ.
Duy Nguyễn