Những người lính thời bình (06/05/2011)

Trở về cuộc sống đời thường, những người lính lại học tập, lao động, luôn gương mẫu, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trở về từ những cuộc chiến đấu ác liệt, nhưng chưa bao giờ họ tự nhận mình là những người từng trải. Họ cần mẫn học hỏi, đam mê sáng tạo và làm giàu bằng quyết tâm sắt đá được tôi luyện qua chiến trường. Ngày đêm họ lăn lộn trên từng thửa ruộng, ao nuôi, mảnh vườn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất… để làm ra nông sản hàng hoá có giá trị đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, sẵn sàng hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế gia đình.

Chúng tôi đến xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, Cần Thơ được biết CCB Lê Văn Hớn, sinh năm 1947, thương binh ¼, với tỷ lệ thương tật đến 81%, cụt mất một tay, chấn thương cột sống, lưng bị còng xuống, đi lại rất khó khăn. Trước đây nghèo lắm, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, Hội CCB và chính quyền địa phương, anh vay vốn phát triển theo mô hình kinh tế vườn ao chuồng. Đến nay, mảnh vườn tạp hơn 9.000m2 của gia đình được anh cải tạo thành vườn táo xum xuê, trĩu quả. Anh còn đào ao nuôi cá trê, trồng xen đậu, dưa với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lợi nhuận hằng năm từ 70 - 80 triệu đồng. Anh kể: “Sức khỏe yếu, lại bị thương tật không thể lao động nặng, nhưng tôi luôn nghĩ, trong chiến tranh hy sinh, gian khổ vậy mình còn vượt qua được, bây giờ lẽ nào lại cam chịu đói nghèo. Thế là tôi cùng vợ trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hễ đâu có mô hình sản xuất hay, có hiệu quả là tôi đến tham quan học hỏi kinh nghiệm”. Khi còn làm Chủ tịch Hội, anh Hớn thường xuyên đề xuất lãnh đạo, vận động hội viên (HV) đóng góp tiền, công sức xây cất nhà tình nghĩa, tình thương đồng đội cho HV nghèo đang có khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách. Anh thường xuyên đến từng nhà HV CCB giúp đỡ, động viên anh em vượt khó. Anh chia sẻ: “Lúc đầu, vẫn còn một số anh em mặc cảm với thân thể không lành lặn, nên có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Tôi cùng các anh em CCB khác phải thường xuyên đến nhà vận động an ủi... Cách làm của anh Hớn được Hội CCB Giai Xuân tiếp tục phát huy, nhờ vậy mà hiện nay tỷ lệ gia đình CCB nghèo ở đây đã giảm hẳn, chỉ còn 5/135 hộ (chiếm 3,7%).

Ở vùng cực nam Tổ quốc có CCB Huỳnh Ngọc Thêm, là Chi hội trưởng ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, Ngọc Hiển, Cà Mau, là thương binh ¼ đã vượt lên nỗi đau để lập nghiệp. Từ Viện quân y 121 (Quân khu 9) trở về quê hương không làm được việc nặng, anh rất buồn, chôn mình trong căn nhà bé nhỏ, không tiếp xúc với bất cứ một ai. Qua một thời gian trăn trở, cùng sự động viên của người thân, nhớ đến lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh quyết chí tạo lập cuộc sống mới với muôn ngàn khó khăn. Lúc đầu nhiều người không dám thuê sợ anh không làm được, nhưng với tính cần cù siêng năng trong lao động, không có việc gì anh từ chối. Được một thời gian dài, chủ hộ nuôi tôm thương tình và tìm cách giúp anh là vừa trông coi ao tôm và cho anh thả cua, cá trong ao nuôi tôm. Nhờ quản lý, chăm sóc tốt, liên tiếp nhiều vụ anh trúng mùa cua, cá thu nhập ổn định, anh dành dụm mua được 3 ha nuôi tôm sú. Có đất sản xuất, anh quy hoạch cải tạo quy trình khép kín với mô hình nuôi tôm kết hợp cua, cá, anh mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, nên trúng mùa liên tiếp, lãi trên 100 triệu đồng/năm. Có tiền tích luỹ, anh xây dựng một căn nhà khá khang trang. Anh còn là Chi hội trưởng gương mẫu trong công tác Hội, hết lòng giúp đỡ HV và thanh niên học sinh nghèo hiếu học.

Khó có thể nêu hết được hàng ngàn CCB đã vượt khó thoát nghèo làm giàu chính đáng trong gian khó. Họ đều là CCB, thương binh nặng, người thì bỏ lại một chân hay một cánh tay ở chiến trường và trong thân mình còn nhiều thương tích, cùng đi lên từ hai bàn tay trắng và một quyết tâm tự lực tự cường, giúp đỡ đồng đội, đồng chí, ham học hỏi, mạnh dạn đám nghĩ dám làm, áp dụng KHKT vào sản xuất, tạo dựng cuộc sống mới làm giàu chính đáng, là CCB gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội, công tác từ thiện. Họ thật xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: Phương Nghi