Những người lính đặc biệt tinh nhuệ trên cao nguyên
Tôi gặp Đại tá Lê Bá Chỉ, Chính ủy Lữ đoàn đặc công bộ 198 vào một ngày đầu tháng 8-2014. Ôm lấy bờ vai tròn của anh mà lòng tôi rưng rưng khó tả. Tuy anh và tôi chung đơn vị, nhưng khoảng cách thời gian cùng chiến đấu với nhau cũng đã khá xa. Nhớ lại mùa thu 40 năm trước, ngày 19-8-1974, Trung đoàn đặc công cơ động 198 đã ra đời (nay là Lữ đoàn) tại cao nguyên đất đỏ và được giao nhiệm vụ cơ động tiến công tiêu diệt các mục tiêu chủ yếu, quan trọng của địch trên chiến trường Tây Nguyên.
Vừa thành lập, củng cố xây dựng lực lượng, Lữ đoàn được lệnh chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975. Tham gia chiến dịch Tây Nguyên, Lữ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế địch ở phía Bắc. Trong trận mở màn then chốt tại Buôn Ma Thuột, các đơn vị của Lữ đoàn đánh và chiếm giữ sân bay Hòa Bình, làm cho địch không thể cơ động lực lượng từ phía Bắc đổ quân xuống sân bay để phản kích. Lữ đoàn còn đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế, bảo đảm một phần ba số đạn cho chiến dịch phát triển. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn đánh chiếm, chốt giữ cầu Bông, cầu Sáng và khu căn cứ thành Quan Năm, bảo đảm hành lang cho lực lượng binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 từ hướng Tây Bắc, thần tốc tiến vào đánh chiếm Sài Gòn. Tham gia 2 chiến dịch, Lữ đoàn đánh hơn 200 trận vào các loại mục tiêu, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2.038 tên địch, bắt 1.614 tên (trong đó có 1 chuẩn tướng và hàng chục cấp tá); phá hủy, phá hỏng hơn 1.000 tấn bom đạn, 15 triệu lít xăng dầu, 30 máy bay các loại, 100 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh; thu trên 2.100 súng các loại, hơn 100 ngàn tấn đạn pháo, 50 xe quân sự và 200 nghìn lít xăng dầu. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, Lữ đoàn chiến đấu hơn 10 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện quân sự của địch. Cùng các lực lượng giải phóng hơn 6 vạn dân, bảo vệ và xây dựng vững chắc khu vực biên giới.
Bằng giọng nói Quảng Xương (Thanh Hóa) nằng nặng, Đại tá Lê Bá Chỉ tâm sự: Với phương châm chiến đấu luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít địch nhiều, đánh nở hoa trong lòng địch nên việc rèn luyện ở lữ đoàn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Hơn nữa, đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự; thiên tại, lũ lụt, hạn hán... thường xuyên xảy ra. Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhất là nhiệm vụ A và A2-phòng, chống bạo loạn và khủng bố, nhưng đơn vị vẫn ổn định về mặt tư tưởng và tổ chức; cán bộ, chiến sĩ vững vàng trước mọi tình huống, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 10 năm gần đây, Đảng bộ Lữ đoàn liên tục đạt trong sạch vững mạnh; bồi dưỡng được 915 đối tượng Đảng, đã kết nạp 393 đảng viên mới. Những người lính Đặc biệt tinh nhuệ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên đã tổ chức 10 đợt đi nghiên cứu địa hình, địa bàn, làm cơ sở xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu; 12 đợt luyện tập, diễn tập, 9 đợt huấn luyện quân dự bị động viên; tuyển chọn và huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ mới đạt chất lượng tốt. Công tác huấn luyện cán bộ hằng năm kết quả 100% các khoa mục đạt yêu cầu, có 85% khá giỏi. Huấn luyện kỹ thuật đạt giỏi, chiến thuật đạt khá. Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật 100% đạt khá và giỏi. Điển hình là Đội chống khủng bố có nhiều cán bộ, chiến sĩ giỏi như: Trung úy Phạm Văn Bích, 31 tuổi, 16 năm quân ngũ, anh thường được gọi là "người sắt". Chỉ cần lên gân là tấm thân Bích chắc nịch, vận nội công nằm trên lưỡi dao sắc. Anh có thể nằm ngửa, kê tấm gỗ lên bụng là xe máy qua lại bình thường. Trung úy Nguyễn Hữu Đoàn, 34 tuổi có tuyệt kỹ về phi dao, tiêu. Với khoảng cách 15m trở lại, bất kể địa hình, hạn chế không gian, tầm nhìn, Đoàn vẫn phi từ 3-5 ám khí chính xác. Thượng úy Đào Văn Duy có bài quyền "Thanh long quyền pháp" với từng đường quyền uy lực, mềm mại, biến hóa, vần vũ như rồng múa, vừa kín đáo vừa mạnh mẽ khó lường... Một thành tích quan trọng nữa là Lữ đoàn đầu tư xây dựng trên 12.000m2 nhà ở, nhà làm việc, nhà xe, nhà ăn và các công trình khác, phục vụ cho mọi hoạt động của đơn vị và nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị trong Lữ đoàn quyên góp ủng hộ các quỹ của địa phương như qũy “Vì người nghèo”, “Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”. “Vì sự tiến bộ của Phụ nữ”, “Ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lụt bão”… hàng tỷ đồng. Lữ đoàn xây dựng 1 trạm xã “Quân dân y kết hợp”, đã khám bệnh, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho 867 lượt đồng bào các dân tộc; đồng thời phân công 48 tổ, đội công tác về 41 buôn, thôn làm dân vận; giúp dân trên 15.000 ngày công hái cà phê, thu hoạch lúa, làm đường giao thông; chuyển 120 nhà vệ sinh ra khỏi nhà ở; tẩm 1.600 chiếc màn chống muỗi cho nhân dân. Các tổ đội còn xây dựng 4 chi đoàn thanh niên, 3 chi hội phụ nữ, 22 thôn, trong đó có 19 thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa; vận động 216 chị em thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, 64 thanh niên vào Đoàn, thuyết phục 26 người vượt biên trở về quê, 96 gia đình định cư làm ăn… củng cố thêm tình nghĩa quân dân ruột thịt.
Quá trình 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn đặc công bộ 198 cùng các Tiểu đoàn 20, 35, 1a được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND; Lữ đoàn được tặng 2 Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất và 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cùng nhiều danh hiệu vinh dự khác. Ngoài ra, còn 464 tập thể, 3.675 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại và những danh hiệu vinh dự khác.
Kế thừa, phát huy truyền thống “Luồn sâu, bám tốt, đánh trúng mục tiêu, lập công xuất sắc, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tập trung huấn luyện tốt, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bài và ảnh: Xương Giang