Những "nghệ sĩ" Trường Sa (02/08/2012)
Trong chuyến ra thăm và làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa của Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương, tôi có dịp gặp và trò chuyện với chị Đỗ Thị Thu Hồng, Uỷ viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ khối. Sau chuyến đi, chị nói lời "gan ruột": “Tôi suy nghĩ về sự sống. Sự sống nơi đây ngời lên trên gương mặt mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân; ẩn chứa trong tâm hồn họ niềm lạc quan, trẻ trung, tươi mới. Sự sống còn thể hiện trong từ ngọn cỏ, gốc cây qua những mùa giông bão. Chính sự sống đó đã làm nên sức mạnh của biển đảo Trường Sa hôm nay...".
Đã hơn một lần được tiếp xúc, gần gũi với cảnh và người ở huyện đảo, tôi càng thấm thía những lời tâm sự trên đây của chị Đỗ Thị Thu Hồng. Trừ những xã đảo có dân như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, còn các nơi khác ở đảo nổi, đảo chìm và Nhà giàn DK1, quanh năm lính ở với lính, giữa biển trời mênh mông vời vợi, có lúc sóng gió trùm lên, che khuất cả một góc trời. Cảm giác ghê rợn, đơn côi, lạnh lẽo, biệt lập xâm chiếm lòng người. Song sự sống, sự sống đã trỗi dậy và chiến thắng tất cả. Niềm lạc quan, sức trẻ trung, tươi mới qua phong trào văn hoá văn nghệ, qua tiếng hát, lời thơ, điệu múa, võ thuật... đã trở thành nhu cầu thường trực như cơm ăn, nước uống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Thượng uý Nguyễn Văn Sách, đảo Song Tử Tây trò chuyện với tôi: Phần lớn, bài hát tập thể ở đảo là những bài hát quy định như: "Vì nhân dân quên mình", "Hát mãi khúc quân hành"; "Tiến bước dưới quân kỳ", "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân"... Đó là những bài hát rất quen thuộc với lính, quen như tiếng hô tập thể dục buổi sáng; quen đến mức giống như không thể thiếu tiếng tích tắc của đồng hồ hay nhịp đập của trái tim. Thượng uý Thái Đàm Hồng ở đảo Song Tử Tây hào hứng tâm sự: Ca hát là sở trường của lính đảo chúng tôi. Ở đây, ai cũng hay hát và biết hát. Bởi vì lính đảo, ca hát, ngoài sở thích, còn là hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hằng ngày, sau thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi thường hát cho nhau nghe những bài ca về biển, đảo, về quê hương. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Mỗi năm, khách đất liền thường có văn công ra thăm đảo vào mùa biển lặng hoặc dịp giáp Tết Nguyên đán. Những ngày tháng còn lại là lính ở với lính... Do đó, trong những buổi liên hoan nội bộ, người hát, đọc, ngâm thơ chẳng lạ gì nhau. Có điều, hát chưa hay hoặc hay hát, chẳng ai phàn nàn. Chỉ biết rằng, tiếng hát của đồng đội luôn vang lên, kèm theo tiếng vỗ tay rầm rập, nhịp nhàng trong các tối sinh hoạt văn hoá, văn nghệ; tiếng hát truyền cảm trong đêm sinh nhật chiến sĩ; tiếng hát bông đùa, tếu táo khi tăng gia, lúc nấu ăn; tiếng hát thiết tha, da diết lúc đêm xuống, khi nhớ nhà, nhớ vợ con hoặc người yêu... Ở đâu có lính đảo, ở đó có tiếng hát. Hát trên boong tàu, bên cột mốc chủ quyền, trong gian phòng chật hẹp của đảo chìm, trên bờ đảo. Tiếng hát luôn vang xa, át cả tiếng sóng biển... Tiếng hát của các anh không chỉ làm vơi đi nỗi niềm riêng tư mà còn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho quân dân trên huyện đảo, nhất là các đảo chìm.
Một lần, đảo trưởng đảo chìm Đá Thị Phạm Tiến Hoà tổ chức buổi giao lưu, đón đoàn công tác ra thăm. Trong không khí ấm áp, tràn đầy tình cảm giữa chủ và khách, chiến sĩ Trần Xuân Hoàng, được anh em gọi là "ca sĩ kiêm nhạc sĩ", tay cầm ghi-ta, vừa hát vừa đệm cho mọi người hát theo, những ca khúc cách mạng, ca khúc về biển, đảo, về người chiến sĩ Trường Sa. Tiếng đàn, tiếng hát hoà quyện vào nhau như những đợt sóng trào, thể hiện tình cảm, ý chí, tình yêu của quân dân trên đảo với Tổ quốc. Đoàn công tác thấy Hoàng chơi ghi-ta thành thạo và ôm đàn như một báu vật, hỏi ra mới biết, anh mang nó từ nhà ra đây đã hơn một năm nay. "Nhạc sĩ" hoạt động "hết công suất" nhưng nhờ giữ gìn nên chưa lần nào phải chơi "đàn ghi-ta một dây", như tên bài hát của nhạc sĩ Minh Quang... Hơn nữa, bây giờ khác trước, ngoài đảo và trong đất liền không còn quá cách biệt cả về không gian và thời gian. Chỉ cần một cái tin nhắn, nếu may gặp tàu chuẩn bị ra đảo thì chỉ vài ngày sau, chiến sĩ Trần Xuân Hoàng đã có thứ mình cần.
Và hiện nay, mỗi khi có văn công ra đảo, lính ta không chỉ háo hức, thụ động ngồi thưởng thức các tiết mục biểu diễn mà đã tự tin, nhập cuộc, hăng hái giao lưu với các diễn viên. Các anh hát, múa, đọc thơ, thậm chí cả nhảy "híp-hốp", phụ họa cho ca sĩ. Nếu có tiết mục của lính được chấm điểm, "ngang ngửa" chẳng kém so với diễn viên chuyên nghiệp. Có điều thường thấy, khi các đoàn đến, giờ phút đầu, cán bộ, chiến sĩ vui mừng, hoan hỉ lắm nhưng còn giữ kẽ, e dè. Nhưng khi văn công ra "khai vị", biểu diễn thì cảm xúc cả chủ và khách đều dâng trào... Mọi người tay cầm tay, hát múa, hò reo, hoà thành một khối. Với đoàn công tác, ai nấy đều xúc động, có kỷ niệm khó quên; cảm nhận được niềm lạc quan, trình độ thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật cao của bộ đội biển, đảo...
Điều ngạc nhiên với các đoàn khách tới thăm một số đảo nổi nữa là, trong những buổi liên hoan, giao lưu, còn có tiết mục múa hát của nhân dân và các em thiếu nhi trên đảo. Ở đảo Trường Sa Lớn, có hàng chục em, đang học cô giáo Bùi Thị Nhung từ lớp 1 đến lớp 4 như các em: Đặng Phương Anh, Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Hồng Hương, Nguyễn Thị Mi Sen, Nguyễn Trà My, Võ Viết Hiền... Các em thuộc nhiều bài hát "bộ đội", trong đó có bài "Khúc quân ca Trường Sa"; bài này, bà con trên đảo gọi vui là bài "Quốc ca của huyện đảo Trường Sa". Mỗi khi có đoàn công tác ra thăm, các em tham gia giao lưu văn nghệ và say sưa hát bài ấy ngày bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc. Mọi người không cầm được nước mắt khi nghe giọng hát trong trẻo của những công dân "nhí" Trường Sa vang lên:
Ngày qua ngày, đêm qua đêm
Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương
Biển này là của ta!
Đảo này là của ta!
Trường Sa!
Qua bài hát, tình yêu biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã thấm vào máu thịt của mọi thế hệ người Việt Nam. Và chắc hẳn, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã được xem chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ", phát trên VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 28-4 và 18-5-2012. Bài hát "Khúc quân ca Trường Sa" lại được quân dân ở đây trình diễn bên cột mốc chủ quyền, cùng với những tiết mục "cây nhà lá đảo" sinh động, hấp dẫn của những "nghệ sĩ" Trường Sa. Quá trình thực hiện chương trình thật là công phu, vất vả. Giữa trưa, nắng đã đứng bóng mà cả chủ lẫn khách vẫn say mê tập luyện các tiết mục trước khi ghi hình, theo yêu cầu của kịch bản và đạo diễn. Mặc cho mồ hôi ướt đẫm áo quần, những nụ cười giòn tan, sảng khoái vẫn hiện trên gương mặt rạng rỡ của các diễn viên nghiệp dư.
Cuối cùng thì chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ", ghi hình tại huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong giờ phút chia tay, người dẫn chương trình (MC) Quang Minh không giấu được nước mắt, nói: "Đây là chuyến đi làm chương trình không thể nào quên trong cuộc đời làm báo hình của tôi. Quang Minh thành thực rất cảm ơn cán bộ, chiến sĩ, những "nghệ sĩ" của Trường Sa. Giữa trùng khơi bốn mùa sóng gió, vì sự bình yên của Tổ quốc, vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh đã sống hết mình, đã trình diễn vô cùng sống động, hấp dẫn, để truyền nhiệt huyết của tuổi trẻ cho khán giả truyền hình trong cả nước...".
Ghi chép của Chi Phan