Những ngày giữ lửa
Đại tá, Anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp
Đầu năm 1966, tại thị xã Kon Tum, địch thành lập biệt khu 24 làm trung tâm chỉ huy lực lượng của Mỹ - ngụy ở Bắc Tây Nguyên. Chúng tăng cường xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, thành lập 4 đoàn bình định nông thôn với khoảng 200 tên, chuẩn bị cho kế hoạch bình định. Có nhiều gia đình lương thiện, chỉ muốn yên ổn làm ăn, không theo bên này hay bên kia, nay địch về đông đã dấy lên tâm lý sợ hãi. Thậm chí, có gia đình cơ sở mới xây dựng còn từ chối bố trí nơi ở, che giấu thành viên đội công tác.
Nếu tình hình này kéo dài, Đội vũ trang tuyên truyền của chúng tôi có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị xã. Trên cương vị Đội trưởng, tôi xác định để giữ vững niềm tin trong nhân dân và ngăn chặn địch hung hăng đánh phá cách mạng, cần phải tổ chức diệt ác, răn đe những tên đầu sỏ. Các cơ sở biệt động như: T65, T68,T69, T70, T71... được xây dựng từ vùng ven được đưa vào để làm ăn sinh sống trong nội thị, có người từ trong thị xã được đưa ra vùng ven xây dựng huấn luyện rồi về lại. Do hoạt động bí mật, số anh chị em này cùng với một số anh em bất hợp pháp của ta cải trang hợp pháp vào nội thị diệt ác, đánh địch trong nội ô, phá thế kìm của địch, làm cho địch mất ăn mất ngủ, hoang mang lo sợ.
Để thăm dò lực lượng ta, địch tổ chức mạng lưới mật báo, mật vụ dưới nhiều hình thức trong nhân dân để theo dõi kìm kẹp quần chúng, cài vào các trung đội, tiểu đội nghĩa quân, trong các sắc lính để theo dõi tình hình tư tưởng, hành động của sĩ quan và binh lính… Bấy giờ, trong thị xã có tên Nguyễn H., là một tên tình báo, trước đây làm cho Pháp, bây giờ làm tay sai cho Mỹ. Dưới vỏ bọc là một thầy giáo trưởng ty tiểu học nên việc tiếp cận để tiêu diệt H. khá khó khăn, phải trực tiếp dùng cơ sở để diệt trừ y. Tôi trao đổi với anh em biệt động, quyết định sử dụng T65, đây là một biện pháp cực chẳng đã mới phải sử dụng vì khi cơ sở trực tiếp tham chiến thì coi như cơ sở đó đã bị lộ. T65 là một thợ điện, tên là Nguyễn Trung Hùng, sống hợp pháp trong nội đô. Anh có mối quan hệ khá thân thiết với tên H. Mỗi khi nhà có việc, y thường nhờ T65 đến nấu ăn. Tôi trực tiếp gặp gỡ T65, vạch rõ tội ác của Nguyễn H. và giao nhiệm vụ cho T65 phải tiêu diệt tên này.
Cuối năm Ất Tỵ - 1965, tên H. tổ chức tiệc Tất niên. Quan khách hôm ấy có tỉnh trưởng, tỉnh phó hành chính, 2 tên cố vấn Mỹ và một số tay chân của y. Như thường lệ, T65 được H. gọi đến nấu ăn giúp. T65 báo cáo tình hình và xin phép tiêu diệt mục tiêu. Tổ biệt động cấp cho anh 1 kíp hẹn giờ loại 60 phút và 100 gam thuốc nổ C4. T65 chuẩn bị thực phẩm và nấu xong trước thời gian khoảng 10 phút, tranh thủ dọn bàn ghế ở phòng tiệc. Lợi dụng lúc vắng người trong phòng, anh nhanh chóng bấm kíp hẹn giờ, cài vào khối thuốc nổ rồi để vào hộc bàn cách bàn tên H. ngồi khoảng 2m. Tổng số khách được mời và chủ là 12 tên đã vào tiệc. Hơn 10 phút sau, một tiếng nổ phát ra trong phòng khách. Tên H. chết tại chỗ, tên tỉnh phó và 2 tên cố vấn Mỹ bị sức ép nhẹ vì ngồi xa. Biết được T65 sớm muộn gì cũng bị lộ nên tôi báo cáo Ban cán sự Thị ủy chuyển vùng hoạt động. Tham gia tổng tiếng công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nguyễn Trung Hùng đã hy sinh anh dũng khi đang chiến đấu.
Cũng từ đầu năm 1966, cơ quan an ninh của tỉnh thông báo trên địa bàn thị xã có tên Ngô M. hoạt động tình báo CIA, cần phải tiêu diệt để tránh gây hại cho cách mạng. Tên này quê ở Bình Định, thời Pháp thuộc y là lý trưởng. Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, y chuyển sang hoạt động tình báo. Lên Kon Tum làm ăn, M. khai là chính quyền mới nghi ngờ y làm cách mạng nên bỏ chạy lên đây. Trong vai một người dân thường, M. không tham gia bất cứ hoạt động gì cho chính quyền ngụy. Chúng tôi tiếp nhận thông tin, bí mật cho điều tra chéo để xác minh tránh xử oan người vô tội. Khi có đủ 3 nguồn tin xác nhận Ngô M. chính là tên tình báo nguy hiểm, tôi cử người theo dõi hành tung của hắn. Nhà M. ở khu Trung Tín, nhưng y chủ yếu ngủ trong thị xã. Hầm bí mật của tôi ngay trong vườn nhà Hồ Lanh, đối diện với căn nhà của Ngô M. Vì vậy, khi hắn về nhà, cơ sở sẽ thông báo ngay cho tôi.
Sau 6 tháng điều tra, theo dõi, đến tháng 8-1966 thời cơ diệt tên tình báo đã đến. Rạng sáng hôm ấy, tôi cải trang thành lính bảo an đem theo khẩu AR15, đi cùng A Viu giống như đi tuần tra buổi sáng. Đến nhà M., tôi gọi cổng: “Anh M. ơi! Ra tôi nhờ tý”. Tôi gọi hai ba lần, M. mới ra mở cửa. A Viu đứng ngoài đường cảnh giới, tôi đi thẳng vào sân. Chĩa nòng súng vào ngực y, tôi nói khẽ: “Giơ tay lên!”. M. vội quay người định chạy vào nhà, tôi lập tức nổ súng. M. ngã úp mặt xuống sân. Tôi lấy bản cáo trạng vạch rõ tội ác của M. đặt lên người nó, nhặt viên gạch chặn lên rồi rời đi. Đường phố lúc này đang vắng người qua lại, chúng tôi nhanh chóng lẫn vào trong rừng non, thay quần áo rồi tụt xuống hầm bí mật.
Sau vụ tiêu diệt tên tình báo Ngô M., tình hình thị xã Kon Tum tương đối yên ắng. Bọn tình báo, mật vụ, ác ôn không còn hung hăng, hống hách như trước.
Đại tá, anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp - nguyên Phó chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kon Tum kể.
Nguyễn Sỹ Long ghi.