…Sau 13 ngày đêm hành quân không nghỉ, vượt trên 1.700 cây số, từ đại bản doanh Hà Trung-Thạch Thành, Thanh Hóa, ngày 15-4, toàn bộ đội hình Trung đoàn chúng tôi và Sư đoàn 312 đã có mặt tại Đồng Xoài-Bình Dương, đảm bảo an toàn, đúng thời gian quy định. Tại đây, Tỉnh ủy Bình Dương và lực lượng vũ trang địa phương đã chuẩn bị dự trữ lương thực, giúp chúng tôi nhanh chóng bảo đảm ăn uống, sinh hoạt cho bộ đội, nắm lại tình hình địch-ta, sẵn sàng bước vào chiến đấu.
Sau vài ngày ở lại Đồng Xoài làm công tác chuẩn bị, chúng tôi hành quân bộ theo đường Lệ Xuân xuống Chiến khu Đ. Có lẽ tuyến đường bộ này được mở trong những năm cuối thập niên 50-đầu thập niên 60 thế kỷ XX, nên mới có tên là Lệ Xuân-vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu Ngô Đình Diệm. Tôi nghĩ như vậy, bởi khi mà đế chế nhà Ngô không còn, chắc là Thiệu, Kỳ… sau đó chẳng hơi đâu lấy tên Lệ Xuân đặt cho con đường mới mở!
Xuống tới Chiến khu Đ, chúng tôi được Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Chuông thông báo: Ngày 24-4, Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 312 như sau:

  1. Cùng bộ đội địa phương tỉnh Bình Dương và cụm pháo Lữ đoàn 45 chi viện hỏa lực tiến công đánh chiếm căn cứ Bình Lợi và Bình Mỹ.
  2. Tiến công tiêu diệt căn cứ Phú Lợi, chốt chặn các trục đường số 13, 14, 15, không cho Sư đoàn 5 ngụy co cụm về Sài Gòn; tiêu diệt từng bộ phận, tiến đến tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê, Bến Cát.
  3. Phố hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiến công giải phóng thị xã và toàn tỉnh Bình Dương.
  4. Làm lực lượng dự bị của Quân đoàn trên hướng bắc Sài Gòn.
    Qua cơ quan quân báo quân đoàn, chúng tôi được biết lúc này, lực lượng phòng thủ của địch trên hướng bắc Sài Gòn gồm Sư đoàn 5, Lữ đoàn xe bọc thép số 1; 7 tiểu đoàn và 6 đại đội bảo an, phòng vệ dân sự. Tuyến phòng thủ của địch được thiết lập dọc các trục đường số 13, 14, 15 từ cầu Bình Triệu, cầu Ông Đen đến Lái Thiêu, Tân Uyên, Phú Lợi, Bình Dương. Đáng chú ý nhất là trên đường 13, đoạn từ Lai Khê đến Bến Cát, địch bố trí nhiều trận địa pháo tự hành và xe tăng để bảo vệ sở chỉ huy Sư đoàn 5 ngụy, sẵn sàng cơ động ứng phó; trường hợp nếu bị ta tiến công mạnh, sẽ co cụm về Sài Gòn.
    Ngày 26-4, Tư lệnh Nguyễn Chuông chính tức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn chúng tôi: Tăng cường Tiểu đoàn 2 cho Trung đoàn 165 thực hành bao vây tiến công căn cứ Phú Lợi; toàn bộ lực lượng còn lại của Trung đoàn, được tăng cường một Đại đội xe bọc thép, làm lực lượng dự bị của Sư đoàn. Trước mắt, Trung đoàn phối hợp hiệp đồng với pháo binh và Tiểu đoàn 2 bộ đội địa phương Thủ Dầu Một tiến công địch ở cụm cứ điểm Bình Cơ-Bình Mỹ, khai thông trục đường số 16, tạo điều kiện cho toàn bộ đội hình Sư đoàn vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công trên cánh bắc Sài Gòn, đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy.
    Sau khi nhận nhiệm vụ, Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý chớp nhoáng thống nhất quyết tâm tác chiến, phân công nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn, cử cán bộ trực tiếp đi từng hướng, từng mũi…
    Thực hiện phương án tác chiến của Sư đoàn, trước tiên, Trung đoàn phối hợp với Tiểu đoàn 2 Phú Lợi (bộ đội địa phương Bình Dương) triển khai tiến công cứ điểm Bình Cơ-Bình Mỹ, mở thông đường 16, để đội hình Sư đoàn, Quân đoàn vào chiếm lĩnh, triển khai lực lượng áp sát Sài Gòn trong đêm 27-4.
    Căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi quyết định sử dụng Tiểu đoàn 3 cùng với Tiểu đoàn 2 Phú Lợi đánh Bình Cơ- Bình Mỹ. Trận đánh này đặt dưới sự chỉ huy Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Chuông và đồng chí Một Hữu-Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Dương, nên Ban chỉ huy Trung đoàn phân công anh Nguyễn Trưởng-Tham mưu trưởng Trung đoàn trực tiếp chỉ huy lực lượng của Trung đoàn 141.
    Chập tối ngày 27-4, trận tiến công giải phóng Bình Cơ-Bình Mỹ bắt đầu và diễn ra mau lẹ. Tiểu đoàn 306 quân ngụy khét tiếng gian ác ở Chiến khu Đ bị đánh tan tác. Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141 và Tiểu đoàn 2 bộ đội địa phương Bình Dương nhanh chóng làm chủ mục tiêu. Vốn đã hoang mang dao động từ trước, nay lại mất Bình Cơ-Bình Mỹ, toàn bộ lực lượng địch chốt rải dọc đường 16 hoảng loạn tháo chạy về Sài Gòn.
    Không cho Sư đoàn 5 ngụy co cụm về Sài Gòn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch trên địa bàn Thủ Dầu Một (Bình Dương), Trung đoàn chúng tôi là lực lượng dự bị được lệnh trong đêm 29-4 phải cơ động khẩn trương vào tập kết ở khu vực cầu Thê Ụt, sẵn sàng cơ động đánh địch trên cả ba hướng: Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, đường 13 và đường 14.
    Trong khi Tiểu đoàn 3 và bộ đội địa phương nhanh chóng làm chủ căn cứ Bình Cơ-Bình Mỹ, thì Tiểu đoàn 2 tăng cường cho Trung đoàn 165 đã cùng đơn vị bạn triển khai tiến công căn cứ Phú Lợi.
    Từ sáng sớm ngày 30-4, trận tiến công của Trung đoàn 141 vào căn cứ Phú Lợi bắt đầu. Địch không có đường lui đã co cụm về trung tâm căn cứ chống cự hết sức quyết liệt. Đó cũng được xem như sự giãy chết của loài mãnh thú. Khi có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và xe tăng, trận đánh của ta diễn biến thuận hơn, nhanh hơn. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30-4, Quân giải phóng làm chủ hoàn toàn căn cứ Phú Lợi.
    Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, cũng trong sáng ngày 30-4, anh Hùng Phong-Phó Chính ủy quân đoàn, anh Nguyễn Chuông-Tư lệnh sư đoàn và anh Đỗ Trường Quân-Phó Chính ủy sư đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn chúng tôi tổ chức một lực lượng bộ binh được tăng cường một đại đội thiết giáp nhanh chóng cơ động thọc sâu vào thị xã Thủ Dầu Một, Lai Khê, đánh chiếm Trường sĩ quan Công binh.
    Bàn bạc thống nhất trong Ban chỉ huy Trung đoàn xong, tôi chỉ huy lực lượng đột kích thọc sâu gồm Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 và Đại đội tăng thiết giáp tăng cường. Trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu có anh Lương-Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1 và anh Nguyễn Văn Thịnh-Đại đội trưởng Đại đội 2.
    Sau khi làm chủ căn cứ Lai Khê, qua khai thác tù binh, chúng tôi được biết: Sáng ngày 30-4, khi căn cứ Phú Lợi bị Quân giải phóng tiến công, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ-Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy lệnh cho Trung đoàn 9 cơ động lên ứng cứu, nhưng không thực hiện được; một phần vì đường 13 và đường 14 đã bị ta kiểm soát, chia cắt; phần khác vì binh lính địch chẳng còn chút nhuệ khí, động cơ nào nữa để đánh đấm. Mất các đường 13, 14, Sư đoàn 5 của ngụy ở căn cứ Lai Khê-Bến Cát bị bao vây, không lối thoát.
    Thực hiện kế hoạch tác chiến của sư đoàn, tối 29-4, lực lượng đột kích thọc sâu chúng tôi bí mật, khẩn trương cơ động lên Bến Cát, bao vây Lai Khê. Gom mấy thành phần, lực lượng này khoảng chừng một tiểu đoàn thiếu. Số còn lại cơ động về phía Chơn Thành (bắc Lai Khê) để đánh thọc xuống. Tôi trực tiếp chỉ huy bộ binh, xe tăng phát triển theo đường 13 đánh lên; hình thành thế hợp vây sở chỉ huy Sư đoàn 5 ngụy tại Lai Khê.
    Lúc này, Sư đoàn 5 ngụy đã bị các lực lượng của ta đánh cho tơi tả dọc trục đường số 13, nên lực lượng thọc sâu của chúng tôi phát triển khá thuận lợi; đánh vào căn cứ của Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê sớm hơn cánh phía bắc của Sư đoàn. Khi chúng tôi tiến vào Lai Khê, gần như toàn bộ quân địch ở đây không có một sự phản ứng nào đáng kể. Trước hỏa lực rất mạnh của ta cấp tập vào căn cứ địch và xe tăng hùng dũng lao tới, một số tên hoảng sợ chui xuống hầm ngầm, trong đó có Chuẩn tướng Tư lệnh sư đoàn Lê Nguyễn Vĩ. Một số nhanh nhảu đầu hàng để được bảo toàn mạng sống, trong đó có tên Đại tá-Tư lệnh phó sư đoàn.
    Vừa lệnh cho anh em truy quét trên mặt đất, tôi vừa cho một lực lượng áp sát hầm ngầm sở chỉ huy Sư đoàn 5, bịt hết lỗ thông hơi, chất cỏ rác đốt, quạt cho khói vào hầm, buộc chúng bị sặc khói phải ngoi ra. Chỉ một lúc mấy đứa mở cửa bung ra, mặt mũi xám ngoét chẳng khác gì đám chuột đồng bị hun khói. Sau mấy phút im ắng, một số anh em đạp cửa, chui xuống hầm. Hầm chỉ huy của Sư đoàn 5 ngụy được kết cấu hai tầng, khá rộng; tầng dưới vừa để làm việc vừa tránh được đạn pháo. Vào phòng của Lê Nguyên Vĩ, thấy y đã tự sát, nằm gục cạnh bàn làm việc; đầu bị vỡ. Vĩ đã tự kết liễu đời mình bằng chính khẩu súng côn mà y đã dùng để gây tội ác. Có lẽ phát thứ nhất vì một nguyên cớ gì đó, y bắn trượt quai hàm, phát thứ hai viên đạn từ dưới cằm xuyên lên đỉnh đầu. Trên bàn làm việc của Lê Nguyên Vĩ có mấy tờ báo Sài Gòn; đặc biệt có tờ giấy ghi mấy chữ: “Nhục nhã, nhục nhã vì tiền, nhục nhã!”. Chứng tỏ, trước khi tự kết liễu đời mình, tên Chuẩn tướng được xem như “người hùng” một thời đã dằn vặt, hối hận ghê gớm, để rồi hổ thẹn với đời!
    Chứng kiến viên tướng giặc đã chết, tôi lệnh cho anh em: Để mặc xác nó đó, tất cả tập trung tảo trừ.
    Sau này, qua tìm hiểu tù binh bị bắt ở Lai Khê, tôi được biết Vĩ là người dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Không rõ nguyên do nào đã đưa đẩy hắn vào Nam, làm lính cho đám Thiệu-Kỳ, rồi ngoi lên tới Chuẩn tướng-Tư lệnh sư đoàn. Tiên liệu Sư đoàn 5 sẽ đại bại, chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng vậy trong ngày một ngày hai, Lê Nguyễn Vĩ đã tính kế “tẩu vi thượng sách” từ rất sớm. Theo đó, chiều ngày 28-4, Lê Nguyên Vĩ đã lệnh cho lính dùng trực thăng chở vợ và con sang trú tạm ở Cam-pu-chia, sau đó quay lại đón y. Nhưng máy bay một đi không trở lại, làm cho Vĩ hoang mang tột độ. Vừa bị bao vây, không lối thoát; vừa cay đắng khi nước cờ quyết định cuối cùng bị thất bại, Lê Nguyên Vĩ tự kết liễu đời mình.
    Khi chúng tôi hoàn toàn làm chủ căn cứ của Sư đoàn 5 ngụy thì anh Nguyễn Chuông và lực lượng phối hợp đến, cùng truy quét làm sạch địa bàn.
    Sau khi nghe anh em thuật lại việc đánh chiếm hầm ngầm và Lê Nguyên Vĩ tự sát, anh Nguyễn Chuông lệnh cho tôi-tiếng anh sang sảng:
  • Được, mày cho anh em xuống hầm lôi thằng Vĩ lên!
    Tôi gọi mấy anh em xuống đưa xác Lê Nguyên Vĩ lên đặt trên nền một căn nhà gần đó. Anh Chuông cho gọi tôi và mấy anh em lại đứng gần xác Lê Nguyễn Vĩ để chụp ảnh làm kỷ niệm. Có vài anh lại, nhưng tôi thì không. Thấy vậy, anh Chuông sẵng giọng:
  • Sao vậy Được, mày không nghe tao nói gì à?
  • Em có nghe-tôi vừa trả lời anh, vừa cười; em có điếc đâu, nhưng chụp ảnh với xác thằng tướng giặc bại trận nhục nhã thì hay ho gì, em không chụp. Thiếu gì cảnh để anh em mình chụp lưu niệm!
  • À, à-cái lý của trai Quảng khá đấy, tôi chịu ông rồi-anh Chuông cười bả lả.
    Lúc này đã gần chiều tối ngày 30-4. Nhìn lá cờ Giải phóng đón gió phần phật tung bay trên cứ điểm địch ở Lai Khê, cộng với tin Sài Gòn đã về ta vào lúc 11 giờ 30 phút ngày hôm đó, anh em chúng tôi không nén nổi sự vui sướng tột cùng và bồi hồi xúc động. Sau phút giây sung sướng bộc phát dâng trào, ôm nhau nhảy múa hò reo cùng những người lính trẻ, tôi lại trở về khoảng lặng của riêng mình để ngược dòng ký ức. Vậy là, kể từ cái đêm tôi bỏ làng “nhảy núi” tìm theo bộ đội giải phóng, đến ngày toàn thằng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày mà tôi và đồng đội cắm ngọn cờ Giải phóng trên căn cứ Lai Khê của Sư đoàn 5 ngụy, ngày mà Sài Gòn-dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn thuộc về ta, đã ngót 15 năm. Hành trình 15 năm cùng đồng đội, cùng toàn Dân tộc, từ trong đêm trường mịt mù, gần như vô vọng, tôi đã có gần như tất cả. Hạnh phúc dâng trào! Chính trong thời khắc đó, tim tôi như thắt lại khi nghĩ về mẹ cha, những đấng sinh thành không còn để chứng kiến ngày đất nước ca khúc khải hoàn; nghĩ đến biết bao bạn bè, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống để đất nước có ngày Bắc-Nam sum họp một nhà; rồi những đồng đội đã từng chia nhau cọng rau rừng, ngụm cháo sắn, chia nhau ác liệt, hiểm nguy, chia nhau niềm vui, chia nhau cái chết… giờ đây ai còn ai mất?
    N.V.Đ