Những nàng dâu của Trường Sa (07/06/2012)

Ở khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) có một khu gia đình của cán bộ, nhân viên Xưởng X201 (Tổng cục Kỹ thuật), được người dân địa phương gọi vui là "Xóm Trường Sa". Xóm có hơn ba chục căn nhà, những người phụ nữ trong mỗi căn nhà ấy đều có chồng đã và đang công tác ở Trường Sa. Nhà của cặp đôi thiếu tá Hà Minh Tuấn và nữ nhà báo Bích Thuận (Báo Lao động Đồng Nai) nằm giữa xóm. Thiếu tá Tuấn hiện là Quản đốc phân xưởng, anh đã có 4 năm gắn bó với Trường Sa, làm cán bộ kỹ thuật binh chủng tại các đảo Sinh Tồn, Nam Yết. Hỏi về cơ duyên làm dâu Trường Sa, nhà báo Bích Thuận kéo cô con gái tròn 10 tuổi vào lòng, cười tươi; "Sản phẩm của những năm tháng khó khăn, xa cách từ 10 năm trước đây anh. Hồi đó, em là phóng viên của Báo Vĩnh Phúc. Đầu năm 2001, em vừa sinh con gái xong thì anh Tuấn nhận nhiệm vụ đi công tác Trường Sa. Một mình nuôi con nhỏ, đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng nghĩ đến chồng đang làm nhiệm vụ ở đảo xa, còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều, nên em tự nhủ mình phải cố gắng khắc phục, nuôi con khôn lớn". Cuối năm đó, sau khi hoàn thành chuyến công tác ở Trường Sa, anh Tuấn về quê đón vợ con vào miền Nam sinh sống. Bích Thuận xin vào làm phóng viên của Báo Lao động Đồng Nai từ đó đến nay.

Nữ biên tập viên Trịnh Thuỷ Trà là một trong những nhan sắc của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VTV9). Thời thiếu nữ, Thuỷ Trà là mục tiêu săn đón của không ít chàng trai hào hoa, nhưng cuối cùng, cô lại quyết định làm dâu Trường Sa. Hỏi về cái duyên ấy, Thuỷ Trà bảo: Có lẽ do ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Ông ngoại và bố của Trà đều là những cán bộ hải quân, nên khi được anh bộ đội hải quân Phạm Duy Phương ngỏ lời, Trà "xiêu" luôn. Bố của Phương nguyên là thuyền trưởng Tàu không số, từng 7 lần vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí vào Nam đánh giặc. Trà - Phương bén duyên nhau từ thuở còn là sinh viên. Ra trường, Phương về nhận công tác ở Vùng 3 Hải quân, đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, còn Trà thì đầu quân cho VTV9. Cặp đôi này vừa đón chào một thiên thần nhỏ, đó là bé trai kháu khỉnh Phạm Duy Hải.

Ở Hải đội Học viện Hải quân, anh em đồng đội thường nhắc đến cặp đôi trung uý Phan Tiến Đoàn (thuyền phó Tàu 631) và nữ nhà báo xinh đẹp Lê Thị Bích Thuỷ, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hoà. Không làm việc trực tiếp ở các đảo, công dân Trường Sa Phan Tiến Đoàn cùng đồng đội gắn bó với con tàu thân yêu làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa từ thời còn là học viên của Học viện Hải quân. Từ năm 2010 đến nay, anh coi con tàu là nhà, vùng biển đảo Trường Sa là quê hương. Với nữ nhà báo Bích Thuỷ, hình ảnh người lính hải quân, trong đó có người chồng yêu quý của cô đã trở thành đề tài trong nhiều phóng sự, ký sự truyền hình. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng chưa có nhà riêng, song họ thực sự là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Giờ đây, Trường Sa đã được phủ sóng điện thoại di động Viettel. Nhiều công dân Trường Sa đã có laptop làm phương tiện liên lạc. Phải chăng vì thế nên việc “phải lòng nhau” giữa nữ nhà báo trẻ và sĩ quan trẻ Trường Sa cũng... “tốc độ” hơn ngày trước. Điều thú vị là hầu hết các cặp chưa làm đám cưới này đều "dính" sợi duyên tình ngay trong những chuyến công tác ra Trường Sa của cánh nhà báo. Nữ phóng viên TH (nhân vật xin chưa công bố danh tính) công tác tại cơ quan đại diện TP Hồ Chí Minh của một tờ báo lớn thú nhận rằng, cô đã "say nắng" một chàng thượng uý trên đảo Trường Sa Lớn trong chuyến công tác ra đó. Nữ phóng viên kể:

  • Lúc ở đảo, em chỉ có độ 10 phút phỏng vấn anh ấy. Không ngờ khi em chuẩn bị xuống tàu rời đảo, chàng xuất hiện như từ trên trời rơi xuống trước mặt em, đưa cho em một đoá hoa bàng vuông rồi bất ngờ choàng tay qua vai em để "xin chụp với em kiểu ảnh". Không ngờ cái choàng tay rồi cố ý bóp mạnh vào vai em một cái đau điếng của chàng đã làm em... choáng váng. Xuống tàu, sóng thì không say mà vẫn còn say... đảo.

Về đất liền, nữ phóng viên TH liền email bức ảnh ấy cho chàng thượng uý. Thế là từ đó, họ chat với nhau. Chưa hết, nhạc chờ điện thoại của TH từ ngày đó đã được cô cài sẵn bài hát "Gần lắm Trường Sa”...

Trong cuộc giao lưu giữa sinh viên báo chí với các nhà báo đã từng đi Trường Sa do Khoa Báo chí - Truyền thông - Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nữ nhà báo Quỳnh Trang (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) bật mí rằng, có vài đồng nghiệp nữa đi Trường Sa hồi đầu năm, đã gửi trái tim ở lại Trường Sa. Ngay cả trong danh bạ điện thoại và yahoo mesenger của Quỳnh Trang cũng có danh sách đặc biệt. Cô tâm sự: Khi tình yêu biển đảo trở thành một giá trị tinh thần thiêng liêng trong mỗi con người, thì việc "ông tơ, bà nguyệt" xe duyên cho nữ nhà báo với bộ đội Trường Sa, cũng là một biểu hiện sinh động của giá trị ấy.

Bài và ảnh: Phan Tùng Sơn