Những “mũi khoan” vô vọng
Thượng nghị sĩ Schumer (giữa) tại sân bay Thượng Hải ngày 7-10.
Quan hệ cạnh tranh Trung - Mỹ được giới ngoại giao ví như “con voi ở trong phòng”. Ý là dù có muốn tránh né hay làm ngơ thì vẫn là sự thật hiển nhiên. Hai nước lớn này ứng xử với nhau như thế nào sẽ tác động tới các mối quan hệ của nhiều quốc gia trên thế giới, tác động sâu sắc tới cấu trúc an ninh của khu vực và toàn cầu. Trong mối quan hệ này, Mỹ là nước chủ động công bố cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc. Cuộc ganh đua của cả hai bên đã đẩy quan hệ song phương lao dốc, tới trạng thái lạnh nhạt nhất trong lịch sử. Giờ đây, trong bối cảnh mới của thế giới, Mỹ lại là nước chủ động “thăm dò ngoại giao” với Trung Quốc nhưng xem ra những “mũi khoan” mang tính chất thăm dò này đã không có tác dụng.
Trở lại giai đoạn đầu cầm quyền của chính quyền Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken tuyên bố rằng Mỹ sẽ chỉ đàm phán với Trung Quốc nếu có thể đem đến “kết quả hữu hình” để giải quyết tranh chấp giữa hai đối thủ chiến lược. Thế nhưng, chỉ sau hơn 2 năm, cách tiếp cận đó của Mỹ dường như đã thay đổi. Từ giữa năm 2023, Washington bắt tay vào nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh, nhưng hầu như không được đáp lại. Mỹ đã thành lập các nhóm công tác và cử ba quan chức cấp cao cùng đặc phái viên hàng đầu về khí hậu đến Bắc Kinh. Chiến lược này, vốn một phần nhằm cứu vãn mối quan hệ đã rơi xuống mức nguy hiểm hồi đầu năm nay khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, được hy vọng có thể mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vào tháng 11-2023, khi Mỹ là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức ở San Francisco. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào khẳng định Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ dự sự kiện này.
Gần đâynhất, phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ do lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer dẫn đầu đã đến Trung Quốc ngày 7-10. Ấy nhưng tháng 5 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có ông Schumer, đã công bố kế hoạch chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới, theo đó hạn chế nguồn đầu tư và công nghệ tiên tiến đổ vào Trung Quốc và ngăn chặn việc Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Các nỗ lực ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc tuy bất thành nhưng nó lại chứng tỏ Mỹ đang rất cần hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là một thách thức ngoại giao khó khăn đối với Mỹ. Chính quyền Biden muốn chống lại sức mạnh quân sự ngày càng mạnh mẽ của nước này mà không gây ra xung đột, đẩy lùi những gì họ coi là hoạt động kinh doanh không công bằng, đồng thời tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Trong muốn “mềm hóa” quan hệ song phương với Trung Quốc, Mỹ vẫn giữ lập trường áp đặt các biện pháp cứng rắn khi cần thiết, nhưng khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại để giữ mối quan hệ ổn định. Một ví dụ tiêu biểu được viện dẫn là việc Mỹ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ cao, siết chặt xuất khẩu chất bán dẫn và cấm đầu tư vào một số công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời đưa ra các ưu đãi mới cho các công ty mở rộng hoạt động tại Mỹ.
Các quan chức chính quyền thừa nhận Trung Quốc có thể coi việc Mỹ thúc đẩy giao tiếp là cơ hội để làm suy yếu hoặc làm chậm các chính sách của Washington nhắm vào Trung Quốc, đặc biệt là về xuất khẩu trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn, nhưng phủ nhận đây là những gì đang diễn ra. Washington chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt mới liên quan đến chất gây nghiện fentanyl được công bố hồi tuần qua là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không được “nhân nhượng”; đồng thời cho biết chính quyền chuẩn bị triển khai một số quy định bị trì hoãn từ lâu nhằm thu hẹp các lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, như Inspur Group. Một quan chức giấu tên phủ nhận sự chậm trễ là để tránh làm Trung Quốc khó chịu mà nhằm mục đích “hoàn thiện các yếu tố kỹ thuật và cân bằng tác động kinh tế đối với khả năng cạnh tranh trong nước”. Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ ngày 6-10 cũng đã bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ. Đó là các công ty bị cáo buộc là đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga, trong đó có việc cung cấp các mạch tích hợp có xuất xứ từ Mỹ.
Như vậy, có thể hiểu rằng, Mỹ vẫn duy trì chiến lược cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn rất cần Trung Quốc nhất là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào mùa tranh cử tổng thống và trong khi tình hình thế giới biến đổi khôn lường mà Washington không thể xử lý nếu thiếu sự hợp tác của Bắc Kinh thì Mỹ lại có động thái xích lại gần hơn với Trung Quốc. Những chuyến thăm dò ngoại giao thất bại cũng là tín hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thanh Huyền