Những mùa xuân ra trận của người lính đặc công
Tôi biết Trung tá Đào Mạnh Hồng vào năm 2009, khi anh vừa bàn giao chức Phó chủ tịch Hội CCB quận Lê Chân để nhận cương vị Phó ban Tổ chức Hội CCB TP Hải Phòng. Từ đó, mỗi lần về đất Cảng, tôi lại ngồi với anh một lúc, kể những câu chuyện đời lính và hiểu thêm về người chiến sĩ đặc công hải quân này. Anh đã có bốn mùa xuân ra trận.
Đào Mạnh Hồng sinh năm 1952, ở xã Cổ Am, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Vùng đất khoa bảng được bồi đắp bởi hai con sông Thái Bình và sông Hóa, từ xa xưa nổi tiếng với câu "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện" đã nuôi dưỡng anh khôn lớn. Tháng 8-1970, khi vừa tròn 18 tuổi, Đào Mạnh Hồng nhập ngũ vào Đoàn 126 đặc công Hải quân. Mùa xuân thứ nhất là tháng 3-1971, anh cùng đơn vị đi chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Là lính trinh sát, anh ra vào thường xuyên trên các bãi mìn, rào thép gai, trong hệ thống hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, để chuẩn bị cho đơn vị đánh phá nhiều mục tiêu cầu cống, kho tàng, bến bãi quân sự của địch. Anh kể: Trung tuần tháng 10-1972, đơn vị tôi nhận lệnh đánh cầu Vân Trình. Đây là một mục tiêu quan trọng nằm trên quốc lộ số 1, nối Thừa Thiên Huế với Quảng Trị; mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cơ giới, vận tải quân sự chở quân và phương tiện chiến tranh ra chi viện cho chiến dịch "Tái chiếm Quảng Trị" của Mỹ, ngụy. Cầu Vân Trình ngày ấy dài 150m, rộng 15m, có 18 nhịp và 17 trụ chính, trụ tạm. Cầu có vị trí nằm sâu trong tuyến phòng ngự của địch, lại trên tuyến giao thông chính nên được bảo vệ cẩn mật: một trung đội ngụy canh gác cả ngày và đêm; khu vực cầu có 5 hàng rào các loại bao quanh. Sau nhiều lần trinh sát, chúng tôi chuẩn bị một lượng thuốc nổ 150kg chia làm nhiều gói đặt ở những nơi hiểm yếu để tạo ra lực cộng hưởng lớn. Tối 27-10, lợi dụng trời mưa to, nước dâng lên ngập cả bờ bãi, tổ đặc công chúng tôi bí mật thả trôi xuống chân cầu. Khi lớp hàng rào cuối cùng được khắc phục, đồng chí Quý - Phân đội phó lệnh cho nhóm đánh cầu thứ nhất của đồng chí Lượt buộc bộc phá vào trụ cầu chính ở phía nam. Còn anh và nhóm đánh cầu thứ hai cố định bộc phá vào trụ cầu phía bắc. Sau đó chúng tôi bơi ngược dòng thoát ra ngoài. Khi cả tổ đang trên đường về hậu cứ thì nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ cầu Vân Trình. Đánh sập cầu, cắt đường giao thông của địch, chúng tôi góp phần vào chiến thắng Quảng Trị năm 1972.
Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân thứ hai, Đào Mạnh Hồng giữ cương vị Phân đội trưởng Phân đội đặc công số 1, Đoàn 126 đặc công. Trong lúc quân và dân ta trên khắp chiến trường đang tập trung toàn lực cho tổng tiến công và nổi dậy, thì ngày 23-3-1975, Phân đội 1 của anh nhận lệnh ra giải phóng Trường Sa. Chỉ ba ngày sau, đơn vị anh từ Hải Phòng có mặt tại Đà Nẵng. Đêm 10-4, từ cảng Tiên Sa, 3 chiếc tàu nhổ neo ra khơi. Tàu không lớn, trên mặt boong chỉ có vài người đi lại như ngư dân đánh cá. Đó là các tàu 673, 674 và 675 của Đoàn Vận tải 125 Hải quân, những con tàu "không số" nổi tiếng của "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Trong bụng những con tàu ấy chứa gần 300 cán bộ, chiến sĩ các anh, do đồng chí Mai Năng, Anh hùng LLVTND chỉ huy đi làm nhiệm vụ. Đào Mạnh Hồng tâm sự: Chúng tôi giấu quân trong những khoang kín, chỉ nghe tiếng sóng ào ạt, tàu trồi lên thụt xuống nên ai cũng bị say sóng, lại thiếu không khí, nên mệt lử". Sau hai ngày hải trình "thần tốc", ngày 12-4, ba con tàu đến vùng biển đảo Song Tử Tây. Bắt đầu trinh sát vòng ngoài quanh đảo, chúng tôi xác định vị trí đổ bộ tiến công, lường trước những khó khăn, thuận lợi và yếu tố bí mật bất ngờ. Một giờ sáng ngày 13-4, quân ta đưa tàu vào cách đảo 3 hải lý, rồi quyết định đổ bộ lên đảo từ hướng tây nam, nơi có bãi cát phẳng và dãy đá san hô. Nhận được lệnh chiến đấu, tàu 673 quay mũi về hướng bắc để giữ bí mật, chọn chiều gió, hướng sóng thuận lợi cho đổ bộ. Tàu 674 và tàu 675 ở phía tây và bắc đảo tiếp ứng và sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. 38 cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1 bí mật đổ bộ vào sát mép đảo, tiếp cận các mục tiêu rồi nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt chúng bắn ra như mưa khiến ta phải sử dụng hỏa B40, B41 tiêu diệt. Quân ta nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, khu thông tin kết hợp gọi hàng. Sau 30 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Đào Mạnh Hồng khẳng định "Đây là trận chiến đấu thứ 15 của tôi, khi ấy tôi vừa 23 tuổi".
Mùa xuân thứ ba vào tháng 2-1979, là Cụm trưởng Cụm 2, quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia, anh chỉ huy đơn vị giải phóng cảng Công Pông Xom, rồi giúp bạn củng cố chính quyền cơ sở, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Mùa xuân thứ tư năm 1980, các anh được trở ra quê hương Hải Phòng, làm nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ biên giới phía Bắc. Riêng Đào Mạnh Hồng có bốn lần ra vào cảng của đối phương để trinh sát nắm tình hình...
Nghỉ hưu năm 1993 nhưng Đào Mạnh Hồng chưa bao giờ nghỉ việc. Vì anh có hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội CCB phường Lạc Viên và Phó chủ tịch Hội CCB quận Lê Chân; nay anh là Phó ban Tổ chức kiêm Phó ban Kiểm tra Hội CCB TP Hải Phòng. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ; ba năm gần đây Đào Mạnh Hồng được Bộ Y tế, Hội CCB thành phố tặng bằng khen, giấy khen.
Bài và ảnh: TÔ KIỀU THẨM