Nhưng mà đảng phái nào?
Thưa cùng bạn đọc: Trung tướng, PGS. Lê Hữu Đức - nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng là vị tướng từng trải trận mạc và trải qua nhiều cương vị chỉ huy, cán bộ tham mưu chiến lược… Ở ông là cả một kho sử liệu sống ngồn ngộn, quý giá. Cách đây 4 năm, tôi có may mắn được ông nhờ thể hiện hồi ký; nhưng lại không may là công việc còn dang dở thì ông vĩnh viễn đi xa. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, xin được giới thiệu một vài đoạn hồi ức (đã hoàn chỉnh) của ông, như một nén tâm nhang tưởng nhớ vị tướng đáng kính - Nguyễn Duy Tường.
“...Tháng 6-1946, là Đại đội trưởng Đại đội 17 (Trung đoàn 96 Tiếp phòng quân) đang cùng đơn vị tích cực huấn luyện, sẵn sàng đánh quân Pháp gây hấn ở Đà Nẵng, tôi được Trung đoàn cử đi dự lớp huấn luyện cán bộ trung - sơ cấp toàn quân lần thứ hai. Lớp huấn luyện cán bộ trung - sơ cấp là tiền thân của Học viện Quân sự Đà Lạt sau này.
Ngoài tôi, ba cán bộ của Tiểu đoàn dự khóa huấn luyện lần này là các anh: Nguyễn Cam - Đại đội trưởng (đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp), Hoàng Kim - Chính trị viên đậi đội (sau này là Thiếu tướng Chính ủy Quân đoàn 4), Nguyễn Chương - Đại đội trưởng (sau kháng chiến, anh Chương chuyển ngành về công tác ở Quảng Ninh). Tôi được chỉ định làm Đoàn trưởng.
Trung tuần tháng 6-1946, đoàn chúng tôi lên đường ra Sơn Tây. Thời gian này, suốt từ Đà Nẵng ra đến Hà Nội, Sơn Tây tràn ngập không khí tự do, hòa bình, pha lẫn khí thế hướng về Nam Bộ kháng chiến; nên đoàn chúng tôi như được tiếp thêm “lửa”. Chuyến đi thuận lợi, bốn anh em đi nhanh, đến Tông - Sơn Tây, kịp dự khóa. Đây là khóa đào tạo cho cán bộ trung - sơ cấp các đơn vị từ Khu 5 trở ra Bắc.
Đầu tháng 7-1946, Khóa học khai giảng. Sau một tuần dự khóa, vào một hôm, trước bữa ăn trưa, thư ký của đồng chí Lê Hiến Mai - Chính ủy nhà trường gọi tôi và một vài học viên lên gặp Chính ủy; gặp riêng từng người.
Tôi vào phòng, được Chính ủy mời ngồi, hỏi chuyên vui vẻ. Phòng của ông rộng chừng 15m2, trang bị trong phòng ngoài bộ bàn ghế có một chiếc giường cá nhân. Ông hỏi tôi ở đơn vị nào đi, quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, đã có vợ con chưa, phụ trách quân sự hay chính trị…? Thấy Chính ủy cởi mở, thân tình, nên tôi cũng mạnh dạn trình bày ngắn gọn, rành mạch những điều ông hỏi. Sau đó, ông hỏi tiếp:
- Ở Khu 5, đồng chí có tham gia đảng phái nào không?
Nghe hỏi vậy, tôi hơi ngạc nhiên. Bởi lẽ, giấy giới thiệu đi học của bốn anh em chúng tôi, có ghi tôi là Đoàn trưởng, Tổ trưởng Đảng. Không hiểu vì sao Chính ủy lại hỏi như vậy. Hơi ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn bình tĩnh trả lời:
- Có ạ!
Tôi vừa buột miệng hai từ “có ạ”, Chính ủy thay đổi ngay thái độ, giọng đanh lại; rồi ông đứng bật dậy, chồm người về phía tôi, hai mắt mở to, long lên, nhìn thẳng vào tôi và nói như quát:
- Nhưng mà đảng phái nào?
Thấy vậy, tôi hơi hoảng, nghĩ rằng có thể giấy tờ của mình có gì sai sót chăng, nên Chính ủy mới thay đổi thái độ, đổi giọng gay gắt như vậy. Sau một thoáng hoang mang, tôi lấy lại bình tĩnh và trả lời:
- Thưa Chính ủy, tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng các đồng chí cấp trên dặn không được nói là Đảng Cộng sản mà chỉ nói là Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Giấy giới thiệu Đảng của tôi đã ghi rõ như vậy.
Hiểu ngay vấn đề, Chính ủy thay đổi thái độ và lại ân cần giải thích:
- Ấy thế, trong Khu 5 cũng như ngoài này, có Việt quốc, Việt cách…, nên đồng chí cần nói rõ, tránh hiểu nhầm.
Rồi Chính ủy vui vẻ nói tiếp:
- Cứ chiều chủ nhật cuối tháng, đồng chí dẫn tổ của đồng chí tới vọng gác của Bộ Tư lệnh Chiến khu 2 và nói với đồng chí Đại đội trưởng cảnh vệ: “Chúng tôi tới theo lệnh của đồng chí Tư lệnh”… Đồng chí Đại đội trưởng cảnh vệ là đảng viên, sẽ dẫn các đồng chí tới chỗ họp chi bộ. Nhớ là đúng 14 giờ chủ nhật cuối tháng”.
Vậy là cứ chiều chủ nhật cuối tháng, chúng tôi dự họp chi bộ của lớp. Cả lớp có hơn 300 học viên, nhưng chỉ hơn 30 đảng viên.
Chuyện “Nhưng mà đảng phái nào?” giữa tôi và anh Lê Hiến Mai gây ấn tượng mạnh đối với tôi, rất khó quên. Vào mùa hè năm 1948, tại miền tây tỉnh Quảng Ngãi là vùng tự do của Liên khu 5, chúng tôi đón đoàn cán bộ của Trung ương Đảng, do anh Lê Đức Thọ phụ trách, vào công tác. Anh Lê Hiến Mai là thành viên của đoàn. Lần đó hay nhiều lần sau này gặp anh, tôi đều đứng nghiêm, mặt đanh lại, nhìn thẳng vào anh, rồi ghé tai thì thầm: “Nhưng mà đảng phái nào?”. Những khi đó, anh đều xởi lởi, hồn hậu nói:
- Gớm, sao cậu nhớ dai thế!
- Thưa Chính ủy - tôi cũng vui vẻ trả lời - Kỷ niệm sâu sắc thế, em làm sao quên được!
Rồi hai anh em lại cười xòa, siết chặt tay nhau…
Trung tướng PGS. Lê Hữu Đức kể, Duy Tường ghi
(còn nữa)