Những lá thư từ chiến trường Khe Sanh (23/12/2011)

Tôi cẩn thận chuẩn bị hành trang cho anh. Một đôi bốt xanh, chiếc áo đi mưa màu nâu đỏ bằng vi-ni-lông. Bấây giờ đang là mùa đông, cần có chiếc áo khoác kiểu blu-dông, nhẹ mà ấm cho anh. Tôi nhìn thấy trong tủ chiếc áo len dài từ hồi đi học ở Nga. Phá chiếc áo dài ấy, tôi may một lần lót mỏng vào trong áo blu-dông của anh. Hai tấm vải dù được máy chồng vào nhau làm chăn đắp. Tôi mua thêm một mảnh vải, may cho anh Lưu Ngọc Bảo (thư ký của anh Đạo) một lớp lót giống như áo anh Đạo. Anh Bảo đi chiến dịch cùng anh Đạo với tư cách Trưởng phòng của Cục Tuyên huấn.

Thư đầu tiên, anh Đạo nhờ các đồng chí giao thông đưa về, chữ viết rất nhỏ, giấy rất mỏng. Anh muốn lá thư mang đi đường sao cho thật nhẹ. Anh kể: "Việc chuẩn bị ở nhà kể như là tốt, nhưng có thứ không hợp với anh như đôi bốt xanh, cái áo mưa thì đỏ quá. Chiến sĩ nhìn anh bàn tán, người bảo phóng viên nhà báo, người bảo diễn viên điện ảnh, người bảo đồng chí bạn nước ngoài. Bộ đội tinh nghịch đặt vè cho anh: Đầu vàng, đít đỏ, chân xanh/ Anh đi chiến dịch có nàng ở trong... Để khỏi bị chú ý quá nhiều, anh liền đi dép và khoác ni-lông như mọi cán bộ, chiến sĩ. Vậy mà chiến sĩ ta tinh lắm, vẫn đoán là một cán bộ chỉ huy"... Anh kể chuyện hành quân: "Anh như vậy cũng đã được thử thách vài chặng đường trèo đèo lội suối, kể cũng khá gay go đấy. Nhưng xét ra đôi chân vẫn còn tốt, ôn luyện lại cũng không lâu, đi kịp anh em, lại được biểu dương là đi nhanh, đi khoẻ nữa... Phong cảnh nhiều nơi rất đẹp, nhưng mải miết đi và mệt thở ra tai nên cũng chẳng thưởng thức được bao nhiêu. Bộ đội, thanh niên xung phong nô nức kéo đi như trẩy hộ. Lớp thanh niên mới anh dũng, đáng yêu vô cùng. Qua đường họ chẳng biết anh là ai, một số chào: Bố ạ! Gặp một cậu chiến sĩ ở làng Phú Lưu gần làng mình, cậu ấy biết mình, thế là họ bí mật giới thiệu cho nhau biết...".

Đúng đêm giao thừa và đêm mồng một Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công nổ ra trên toàn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân làm Mỹ choáng váng, nhưng tướng Oét - mo - len vẫn dành cho Khe Sanh sự quan tâm đặc biệt. Theo Oét-mo-len, Khe Sanh nằm trong một mưu toan rộng lớn nhằm đánh chiếm những tỉnh phía bắc của Nam Việt Nam trước khi đàm phán. Đài BBC thời gian này luôn đưa tin, theo dõi sự di chuyển của "Tướng Lê Quang Đạo, học trò Tướng Võ Nguyên Giáp”. Theo họ, “Tướng Lê Quang Đạo đi thực hiện ý đồ lập lại một Điện Biên Phủ của Tướng Giáp ngày xưa”. Ngày 7-4-1968, anh Đạo viết thư về cho tôi:

"Sống ở đây tương tự như hồi sống ở Việt Bắc. Nhưng phải cảnh giác, kỷ luật phòng không chặt chẽ hơn nhiều. Những lúc vượt đèo núi, xuyên rừng lội suối, anh lại nhớ đến ngày đi cùng em ở núi rừng Việt Bắc năm xưa, nhất là lúc em mới ở Khu 4 ra. Em nhớ chứ? Em nhớ năm nay là năm gì không nào? Tháng chín này là kỷ niệm đúng hai mươi năm ngày cưới của chúng mình đấy".

Khi đọc thư, tôi không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Những chuyện này khi anh từ mặt trận trở về tôi mới biết. Ngay trước hôm nổ súng, Sở chỉ huy chiến dịch bị phát hiện do ta thiếu kinh nghiệm: Các đường mòn và đường dây thông tin lộ thiên đều châu về đây. Oét-mo-len cho rằng chiến dịch Khe Sanh sẽ là một Điện Biên Phủ mới. Địch còn nhận được tin tình báo cho biết tướng Giáp đang có mặt tại chiến dịch này. Trong hai ngày, máy bay B52 Mỹ tập trung đánh phá Sở chỉ huy chiến dịch, một khu vực rất hẹp. Trước đó, Bộ tư lệnh mặt trận đã phán đoán Sở chỉ huy bị lộ và ra lệnh di chuyển. Vừa ra khỏi Sở chỉ huy được mấy chục phút, B52 bắt đầu ném bom xuống khu vực. Anh Đạo, anh Trần Quý Hai và các đồng chí cùng đi nằm trong bãi bom B52 nhiều giờ liền. Bom ném vào núi, đá đổ xuống đã làm nhiều người bị thương. Anh Đạo được anh Hoá (bảo vệ của anh), đẩy vào một hốc đá và nằm đè lên. Anh Hoá bị thương do đá đè vào người. Anh Cao Văn Khánh có kinh nghiệm với bom B52, đã quay lại, dẫn cả đoàn chạy thoát khỏi bãi bom. Sau này, anh Đạo tâm sự với tôi: Mình không có kinh nghiệm, sợ lộ nên không dám bật đèn pin lên, anh Cao Văn Khánh nói: "B52 bỏ bom theo toạ độ, cứ bật đèn chạy". Trong đợt địch ném bom Sở chỉ huy, cả tiểu đội nữ thông tin liên lạc của Tổng đài mặt trận bị hi sinh vì bom lấp trong hang đá. Bộ phận cán bộ của Cục Chính trị mặt trận bị thương vong nặng nhất. Anh Lưu Ngọc Bảo bị thương nặng và hi sinh tại chỗ.

Một tháng sau, tôi nhận được bức thư anh đề ngày 22-2-1968. Vậy là thư trước đến sau, thư sau đến trước: "Em ạ, trong lúc gian khổ, nguy hiểm, mới thấy hết tình đồng chí với nhau. Gian khổ nhưng thật lạc quan, phấn khởi. Em nói với Toản, anh Cao Văn Khánh là tay khoẻ nhất ở đây. Em nói với chị Huệ là sức khoẻ của anh Trần Quý Hai vẫn tương đối mặc dầu ăn uống, đi lại vất vả khó khăn hơn ở nhà...".

Ngày 9-7-1968, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng. Cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chuyển từ chiến lược "Chiến tranh cục bộ" sang “Việt Nam hoá chiến tranh". Tướng Oét-mo-len bị cách chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra từ chức. Tổng thống Giôn-xơn đơn phương tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến hai mươi trở ra và chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Tin thắng lợi Xuân Mậu Thân Đường 9 - Khe Sanh làm nức lòng người!...

NGUYỆT TÚ