Những lá thư thả xuống đường tàu
Tác giả (áo sáng màu) và các đồng đội trong những ngày chiến đấu với không quân Mỹ ở chiến trường Quân khu 4 năm 1972.
Báo tháng 8 - Tôi nhận được thông báo nhập ngũ đúng vào ngày cuối cùng của đợt lao động hè năm 1970 khi lớp đại học chúng tôi đi đắp đê ở Văn Giang, Hưng Yên. Vậy là buổi chia tay kết thúc đợt lao động hè năm thứ hai Đại học Sư phạm Hà Nội ấy đã biến thành cuộc chia tay gần như là của các bạn nam với các bạn nữ cùng khóa học!
Các bạn gái lớp tôi còn có những kỷ vật riêng tặng những chàng sinh viên “xếp bút nghiên ra trận”. Đó là những chiếc khăn mùi soa bằng vải phin trắng được thêu những bông hoa hoa rất đẹp, cùng những cuốn sổ tay mà phần lớn là các bạn tự đóng để ghi nhật ký. Quả đúng như những câu thơ trong bài “Về một thế hệ xếp bút nghiên” của một đồng đội viết: “Chẳng có gì mang theo/ Chỉ cuốn sổ tay và chiếc khăn bạn bè trao tặng/ Trang nhật ký là hành trang cuộc đời cứ dày theo năm tháng/ Cứ dày theo nỗi nhớ đến nao lòng...”.
Thật không ngờ, địa điểm đóng quân đầu tiên của tôi là các nhà dân ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, phía sau trường Đại học Thương mại, chỉ cách trường tôi học vài quãng chân, nên trong hơn hai tuần đầu tiên, các “chàng tân binh” chúng tôi vẫn có dịp gặp gỡ nhiều bạn bè cùng trường, cùng lớp đến thăm.
Thoắt cái đã đến ngày chúng tôi lên đường vào Nam chiến đấu... Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên cái đêm rời thôn Phú Mỹ, ra ga Hàng Cỏ lên tàu. Đó là một đêm mưa rào. Đơn vị báo động hành quân bộ rất bí mật. Nhưng thật bất ngờ, khi chúng tôi đi qua cổng trường thì đã thấy bạn bè đứng chờ sẵn vẫy tay tiễn chúng tôi. Tiếng gọi, tiếng chào nhau ríu rít, nghẹn ngào, thảng thốt...Nhiều bạn gái nước mắt lưng tròng dõi theo đoàn quân...
Chẳng biết trong các ngôi nhà mặt phố đêm ấy có ai nhìn thấy và còn nhớ hình ảnh đoàn quân khoác ba lô con cóc nặng vai, choàng áo mưa, trông như những chú lạc đà đội mưa đi dưới ánh đèn đường đỏ quạch qua các phố Cầu Giấy, La Thành, Khâm Thiên rồi vào ga!
Khoảng 4 giờ sáng, khi chúng tôi đã ngồi yên vị trên tàu mới thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè đến nao lòng... Rồi tự nhiên, không ai bảo ai, đều xé giấy trong sổ tay viết vội mấy dòng báo tin về gia đình. Viết xong cho vào phong bì, chẳng kịp dán (mà muốn dán cũng chẳng có gì để dán). Ngoài bì còn ghi thêm dòng chữ nhờ ai nhặt được thì gửi giúp về nhà theo địa chỉ ghi trên phong bì... Khi tàu chuyển bánh ra khỏi ga, đến đoạn có nhà dân sát ngay đường sắt, những lá thư như những cánh bướm trắng được tới tấp thả qua ô cửa toa, xuống hai bên đường ray. May mà lúc ấy trời đã tạnh mưa.
Thật cảm động vô cùng, hầu hết gia đình và người thân của chúng tôi đã nhận được thư - mới biết chúng tôi đã lên đường đi chiến đấu!
Sau thời gian ngắn huấn luyện bộ binh, những chàng sinh viên chúng tôi đã trở thành những chiến binh trực tiếp tham gia những trận chiến đấu cực kỳ ác liệt ở khắp các chiến trường như: Đường 9 - Nam Lào năm 1971; Quảng Trị mùa hè năm 1972; miền Đông Nam bộ từ 1972 đến 1975; Quân khu 4 năm 1972 đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ; trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp 1972 trên bầu trời Hà Nội chiến thắng “Pháo đài bay B-52” của Mỹ; rồi chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Cho đến bây giờ, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại giang sơn thống nhất đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng tôi và nhiều đồng đội vẫn không quên những lá thư như những cánh bướm trắng thả xuống hai bên cửa sổ đoàn tàu đưa chúng tôi ra trận trong đêm mùa Thu tháng 8 năm 1970 ấy!
Nguyễn Hữu Mão CCB phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội