Những kỷ niệm về Tổng biên tập Bùi Biên Thùy

Với chức năng là tiếng nói của Hội CCB Việt Nam, Báo kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của Hội CCB Việt Nam tới cán bộ, hội viên CCB, CQN và cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng.
Trên báo tuần, báo tháng và trên trang báo điện tử CCB Việt Nam, thường xuyên đăng tin, bài về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm. Báo CCB Việt Nam luôn làm tốt công tác động viên, tuyên truyền CCB giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm kinh tế giỏi, gắn với việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”...
Đối với thế hệ trẻ, Báo phản ánh các cấp Hội CCB chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên ở cơ sở, tổ chức hàng nghìn buổi giao lưu bằng nhiều hình thức sinh động: Nói chuyện truyền thống, trao đổi, với thanh niên, sinh viên, học sinh về những kinh nghiệm rèn luyện, học tập, lao động theo “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ nâng cao lòng yêu nước, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giúp họ hiểu đúng lịch sử, trân trọng và có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương, đất nước.
Những thành tích đạt được trong 25 năm qua, đã khẳng định Báo CCB Việt Nam luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng của Hội CCB Việt Nam, ngày càng nâng cao hiệu quả. Đó là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Nhưng riêng tôi, có ấn tượng sâu sắc nhất về một trong số người đứng đầu, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho tờ báo là Đại tá, cố Tổng biên tập Bùi Biên Thùy.
Với kinh nghiệm 20 năm làm báo Quân đội Nhân dân trước đây, ông đã cùng Ban biên tập làm cho tờ báo CCB Việt Nam khởi sắc: Báo tuần tăng trang (từ 12 lên 16 trang), tăng màu; báo tháng có nhiều chuyên mục thiết thực, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng CCB, CQN; không thương mại hóa, chạy theo thị hiếu của cơ chế thị trường.
Trong chuyên môn nghiệp vụ, Tổng biên tập Bùi Biên Thùy nói và làm trước để đồng nghiệp làm theo. Ông tham gia viết và biên tập nhiều thể loại: Từ các loại tin, xã luận, bình luận đến ghi chép, phản ánh, phóng sự điều tra, tiểu phẩm... Tất cả những kinh nghiệm làm báo của một phóng viên, của một cán bộ quản lý, ông có ý thức truyền thụ lại cho đồng nghiệp đi sau. Những buổi giao ban, bình báo, những lúc trao đổi với ông về các tin, bài của báo tuần, báo tháng, tôi coi đây là dịp học tập nghiệp vụ bổ ích. Ông “rút tít”, đặt tiêu đề cho các bài báo rất tài tình. Bởi lẽ, ông quan niệm: Tiêu đề của một tác phẩm báo chí phải ngắn gọn, mang tính tân văn, mới mẻ, hấp dẫn, nêu được cái “thần” của bài, tránh dài dòng, chung chung, mòn sáo, “hô khẩu hiệu”.
Học tập ông, tôi cố gắng suy nghĩ đặt lại tiêu đề cho một số bài báo của đồng nghiệp. Tiêu đề bài viết của một phóng viên: “Nhân dân Hà Nội chào mừng bộ đội vào tiếp quản Thủ đô”. Tôi đặt “tít” mới cho bài báo: “Hà Nội ngày khải hoàn”. Một bài báo khác của đồng nghiệp viết về bà Ba Hoán, nguyên Trưởng phòng Quân nhu Chiến khu II, nổi tiếng đảm đang, tháo vát và liêm khiết, có nhiều suy nghĩ và việc làm rất anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng ít ai biết đến. Tác giả bài viết đặt tiêu đề: “Bà Ba Hoán, nguyên Trưởng phòng Quân nhu Chiến khu II, có nhiều suy nghĩ và việc làm anh hùng”. Tôi đặt “tít” mới cho bài báo: “Chuyện chưa biết về bà Ba Hoán”.
Tổng biên tập Bùi Biên Thùy đồng ý với tôi về hai cái “tít” này. Lúc bình báo tuần, báo tháng, ông lật từng trang, nhận xét tỷ mỷ nội dung và hình thức trình bày; biểu dương kịp thời ưu điểm và nhẹ nhàng, nghiêm túc chỉ ra những chỗ yếu về ý tứ, câu chữ, hình ảnh minh họa chưa thật hoàn chỉnh. Ông yêu cầu các phóng viên của Báo CCB Việt Nam cố gắng viết ngắn gọn, súc tích, lời lẽ lưu loát, dễ hiểu, từ ngữ giản dị, trong sáng. Hơn nữa, ông còn trao đổi kinh nghiệm đọc, khai thác và tích lũy tài liệu qua sách, báo khác để “tiêu hóa” những kiến thức thu nhận được, phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Trí tuệ và tâm hồn của nhà báo Bùi Biên Thùy là như thế. Xuất phát từ chữ “tâm” mà lúc nào, ông cũng nhiệt tình với nghề nghiệp; hết lòng vì công việc; hầu như lúc nào cũng lo toan đến vị thế và chất lượng của tờ Báo CCB Việt Nam. Là trung tâm đoàn kết, ông đã cùng suy nghĩ, cùng làm việc với anh chị em trong Ban biên tập, không chỉ trên cương vị một cán bộ phụ trách mà còn như một phóng viên, biên tập viên...
Giờ đây, âm dương cách trở nhưng mọi người trong Ban biên tập luôn thương nhớ, kính trọng và biết ơn công sức, trí tuệ đóng góp, xây dựng Báo CCB Việt Nam tiếp tục phát triển của Tổng biên tập Bùi Biên Thùy.
Chi Phan(Nguyên Phó tổng biên tập Báo CCB Việt Nam)