Những kỷ niệm khó quên (29/08/2011)

Phùng Khắc Đăng

Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam

Đầu đông năm 1994, ngày ấy cách đây 17 năm, vào trung tuần tháng 10, Bộ tư lệnh Quân khu 1 cùng với Tỉnh uỷ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng được vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm và cho ý kiến về Cụm di tích lịch sử của T.Ư Đảng và các cơ quan Nhà nước, của Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà ngày nay ta thường gọi là An toàn khu (ATK) hay Thủ đô kháng chiến hoặc Thủ đô gió ngàn.

Ở tuổi 83, nhưng Đại tướng rất nhanh nhẹn, nhất là đôi mắt và khuôn mặt toát lên những nét thần thái, làm cho người được tiếp xúc vừa cảm thấy gần gũi nhưng cũng rất kính nể. Vì ít có điều kiện được gần Đại tướng nên khi được gặp, điều gì cũng muốn hỏi và hình như Đại tướng cũng hiểu được điều ấy ở tôi nên ông càng khích lệ động viên, có lẽ vì vậy nên tôi mạnh dạn hỏi về những điều muốn hỏi như việc lập Chiến khu, như chọn nơi ở của Tổng tư lệnh và khi đến Cao Bằng, rất mong Đại tướng kể tỉ mỉ cho nghe về chuyện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; về những người đứng trước hàng quân tuyên thệ dưới tán lá rừng hồi ấy.

Bỗng Đại tướng hỏi tôi: Đồng chí có biết gì về An toàn khu không? Tôi báo cáo Đại tướng những điều được biết đều qua sách vở vì khi ấy chúng tôi còn bé lắm. Đại tướng cười bảo: Bây giờ đồng chí là Chính uỷ Quân khu không còn bé nữa (thực tế lúc bấy giờ quân đội không có chức danh Chính uỷ, chỉ có chức danh Phó tư lệnh về chính trị), mà lại là Chính uỷ của Quân khu có địa danh lịch sử Thủ đô kháng chiến; các đồng chí không chỉ đọc lịch sử mà còn phải có trách nhiệm đến các di tích lịch sử quý giá của nhân dân, của Đảng, của quân đội.

Chúng ta phải bảo tồn, duy trì tốt để giáo dục truyền thống cho lớp trẻ sau này. Tôi cũng đã có vài lần cùng anh em khảo sát các địa danh lịch sử ở vùng Định Hóa. Điều mà tôi cảm nhận sâu sắc, đó là đi đến đâu người dân đều biết đến các địa danh này. Có một người dân còn chỉ cho tôi mấy cây cổ thụ gần nơi Đại tướng chọn đặt đại bản doanh và nói: Bố tôi bảo ngày trước “cụ” còn đặt cả máy vô tuyến điện ở trên ấy. Sau này tôi hỏi lại các cán bộ thông tin của Quân khu về tình tiết ấy thì anh em giải thích vì máy vô tuyến bấy giờ còn lạc hậu về kỹ thuật nên đôi khi cũng phải tìm chỗ cao để liên lạc. Đã 5, 6 năm nay tôi không đến lại nơi đó, nhưng tôi tin những cây đó vẫn còn.

Bây giờ ở các xã thuộc Định Hóa, Thái Nguyên, nơi có thủ đô kháng chiến, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và huyện cũng như các cơ quan TƯ đứng chân thời kháng chiến đều có xây dựng các công trình hoặc đặt các tấm bia lưu niệm. Hằng năm, đến ngày lễ tết hoặc kỷ niệm ngày đơn vị dựng lán đứng chân, thế hệ cán bộ sau này đều tổ chức thăm lại nơi xưa, đều có những việc làm tình nghĩa với người dân nơi đã cưu mang đùm bọc cán bộ cách mạng ngày xưa. Có lẽ vì những chuyến đi như vậy mà sau khi ở các cương vị công tác khác nhau, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình phải có trách nhiệm với quá khứ.

Khi tôi hỏi thăm Đại tướng về sức khoẻ, Đại tướng bảo: Mình được như ngày nay là nhờ nhân dân các dân tộc chăm sóc đấy. Nhưng Đại tướng còn nói thêm, trong kháng chiến chống Pháp, mọi thứ còn khó khăn. Năm nào nhân dân cũng dành cho mình một miếng cao, mình không ngâm rượu mà chỉ thái lát mỏng, khi ngồi làm việc về mùa đông, lấy một lát dùng đóm lửa hơ qua cho phồng rộp lên rồi cứ thế nhâm nhi. Có lẽ vì vậy mà sức khoẻ của mình tốt lên. Nói đến đây Đại tướng dừng lại im lặng, đưa cặp mắt ra xa rồi chậm rãi: Dân đối với Đảng, với quân đội tốt quá; bây giờ thấy dân còn khổ mình cảm thấy chạnh lòng, cảm thấy như mắc lỗi với dân.

Khi đoàn chúng tôi cùng Đại tướng vào rừng Trần Hưng Đạo ở Nguyên Bình, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, thời tiết hôm ấy không tốt lắm. Trời lúc mưa, lúc tạnh, đường sá mới mở, chỗ xong, chỗ chưa xong, chúng tôi rất ngại. Nhưng Đại tướng bảo không có vấn đề gì; ngày xưa còn khó khăn nhiều, nay có đường xe đi được là tốt lắm rồi. Tháp tùng đoàn hôm đó còn có Bộ trưởng Trần Hoàn; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm TCCT và Thượng tướng Phùng Thế Tài. Trên đường vào có nhiều đoạn trời mưa, đường trơn, phải xuống xe đi bộ; mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng Đại tướng vẫn tươi cười động viên chúng tôi đi mau tới đích.

Vào đến nơi xây dựng Đài kỷ niệm, Đại tướng ngồi cạnh tấm bia ghi nhật lệnh do chính Đại tướng đọc năm xưa, nhân dân các dân tộc Cao Bằng như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Kinh… đến dự lễ rất đông. Ai cũng muốn chen vào để nhìn tận mắt vị tướng già kính yêu. Ai cũng muốn có lời chào Đại tướng và khi Đại tướng nói mấy câu bằng tiếng Tày, tiếng Mông và hỏi bé Hồng năm xưa đâu thì mọi người đều reo lên hoan hô Đại tướng và vỗ tay, vang vọng cả góc rừng.

Đứng cạnh Đại tướng và chăm chú quan sát từng động tác của ông và của nhân dân, tôi thấy vô cùng xúc động, như có một cái gì đó rất thiêng liêng. Tự nhiên tôi nghĩ, giá Đại tướng cứ trẻ mãi đừng già thì hạnh phúc cho nhân dân và dân tộc biết mấy.

Được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp giao nhiệm vụ phải thường xuyên đi sát bảo vệ Đại tướng nên tôi cũng được nghe Đại tướng dạy bảo và dặn dò nhiều điều bổ ích. Trong những lời ấy có một câu mà tôi luôn ghi nhớ: Xây dựng được nơi kỷ niệm sự kiện lực lượng tiền thân quân đội ra đời là rất tốt, nhưng điều tốt hơn là quân đội phải cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc. Có dân thì mới có cách mạng và mới có ngày nay.

Chuyến đi ngắn ngày nhưng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên về Đại tướng. Một người dù trải qua nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, của nhân dân, của quân đội và mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng bao giờ ông cũng luôn nghĩ đến dân, đến nước và cách mạng…

PKĐ