Những khuôn hình “Theo dấu chân Quân tình nguyện…” (11/09/2012)
Vừa mới tháng trước dự một cuộc triển lãm ảnh cá nhân về đất nước Lào của nhà báo Hồng Phương, vừa rồi gặp ông tôi lại được mời dự một cuộc triển lãm nữa. Ồ, “ông lão” nhà báo này có sức đi và sác tác ghê thật. Mà chủ đề lần này cũng lại về đất nước Lào, qua một chuyến đi mới nhất của ông cùng một nhóm phóng viên tham gia đoàn các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam thăm lại chiến trường xưa tại các tỉnh Nam Lào, giao lưu cùng bà con các bộ tộc Lào.
Đưa tôi chiếc giấy mời khai mạc triển lãm, ông cũng tranh thủ khoe luôn tập ảnh mà ông cùng các đồng nghiệp chuẩn bị triển lãm. Những bức ảnh có thể chưa được thực sự chỉn chu về mặt nghệ thuật, nhưng dưới góc nhìn và kinh nghiệm của những nhà báo, lại toát lên tính chân thực, thời sự, được ghi nhận dưới nhiều góc độ về một chuyến đi vào dịp Kỷ niệm 50 năm đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam - Lào.
Giống như chủ đề của cuộc triển lãm lần này: “Theo dấu chân Quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào”, các nhà báo Hồng Phương (nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân), Sĩ Bình (báo Quân đội nhân dân), Đức Mạnh, Văn Nam (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh), Hải Tân, nhà báo, nhà văn Trần Công Tấn sẽ đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về tình cảm gắn bó máu thịt của tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn Việt Nam – Lào.
100 bức ảnh nóng hổi tính thời sự của các nhà báo đã ghi lại dấu ấn của các cựu chiến binh Quân tình nguyện qua 4 tỉnh Nam Lào là Chăm-pa-xắc, Xa-ra-van, Sê-kông và A-tô-pư, những nơi mà quân tình nguyện Việt Nam đã từng trực tiếp chiến đấu, được bà con các bộ tộc Lào đùm bọc, che chở suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những cựu chiến binh mà nay người trẻ nhất cũng đã 78 tuổi, người lớn tuổi nhất là 90 tuổi đã có những kỷ niệm về một chuyến thăm chiến trường xưa đầy ý nghĩa và xúc động. Đó là những bức ảnh ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Đoàn và cựu chiến binh Lê Viết Muồng, người đã cùng sống, chiến đấu và ở lại đất Lào từ thời kháng chiến chống Pháp, sau này là Ủy viên TƯ Đảng nhân dân Cách mạng Lào- hiện là công dân Lào. Đó là hình ảnh về những cuộc gặp gỡ, đón tiếp, giao lưu với bà con các địa phương mà đoàn đến thăm, về những cảm xúc của các cựu chiến binh trước tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam tại A-tô-pư…
Cuộc gặp gỡ, giao lưu tại Bản Pha-nu-an Đông là một trong những dấu ấn của các cựu chiến binh. Cùng với lời kể của nhà báo Hồng Phương, những bức ảnh đã phản ánh chân thực những tình cảm của bà con dân bản. Những bó hoa tươi thắm, những ánh mắt hân hoan cùng những hàng người hai bên đường đón chào những đoàn như đón những người anh, người ông, người bác… trở về, những cựu chiến binh hai nước Việt – Lào lại gặp lại nhau trong niềm vui khôn tả cùng với dân bản trong lễ buộc chỉ cổ tay-một nét đẹp truyền thống giàu tính nhân văn của bà con các bộ tộc Lào.
Trong chuyến đi này, nhà báo, nhà văn Trần Công Tấn đồng thời là cựu chiến binh quân tình nguyện có lẽ là người gắn bó, thân thiết và am hiểu đất nước Lào nhất, với hàng trăm bài báo và trên 10 cuốn sách về nhân dân, đất nước Lào. Ở cả hai vai trò, ông đã tranh thủ ghi lại những khuôn hình đầy cảm xúc của một người con về lại mái nhà xưa. Còn với nhà báo, cựu chiến binh Hồng Phương, dù không trực tiếp chiến đấu tại nơi đây, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông là người đã từng hai lần với hàng tháng trời in dấu chân trên tuyến “hành lang lửa” Tây Trường Sơn. Ông là người khởi xường, tổ chức thực hiện và cũng là tay máy chủ lực của cuộc triển lãm lần này với những bức ảnh bao quát các hoạt động của đoàn cựu chiến binh Quân tình nguyện. Ông cũng góp thêm 40 bức ảnh tại chuyến đi Lào hồi tháng 6-2012 để triển lãm thêm phong phú, đầy đủ sắc màu và diện mạo của nhân dân, đất nước Lào anh em. Nhà báo Sĩ Bình với góc nhìn riêng của mình đã thể hiện mối đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân đội, cựu chiến binh hai nước. Với hai nhà báo trẻ Đức Mạnh, Văn Nam và lão nhà báo Hải Tân thì những buổi gặp gỡ, giao lưu, những bức chân dung lại trở thành chủ đề chính của mình.
“Theo dấu chân Quân tình nguyện…”, cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15-9 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh sẽ thực sự là một cuốn nhật ký sinh động, đầy sắc màu về hành trình của các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Lào anh em, đồng thời khẳng định mối đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc, nhà nước và quân đội nhân dân hai nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
XUÂN CƯỜNG