Những khoảnh khắc vô giá ở chiến trường
Vũ Đạt
Tôi là một trong 9 phóng viên Báo QĐND được cử đi chiến trường trước Tết Ất Mão để “đón lõng” chiến thắng ngày 30-4-1975. Trang bị của phóng viên ngày ấy thật đơn giản: 60m phim NP55 cùng hai chiếc máy ảnh Pra-ti-ca-nô-va đều là của CHDC Đức. Qua kinh nghiệm của các anh đi chiến trường trước đó, tôi mang thêm ít hóa chất và vài đôi pin con thỏ khi cần có thể tráng phim và làm ảnh gửi về ngay theo đường giao liên.
Lên đường bằng xe Gát 69 vào ngày 2-1, sau hơn 20 ngày vượt Trường Sơn với những con đường bụi và bùn ngập nửa bánh xe chúng tôi cũng vào đến tận miền Đông Nam Bộ mà không gặp trắc trở nào. Chỉ nghe tiếng ầm ì của tiếng pháo từ xa vọng lại và thỉnh thoảng có vài chiếc máy bay VO10 vè vè trên đầu, nhưng chán rồi đi. Cảm động nhất là đoàn phóng viên Báo QĐND được gặp Tư lệnh quân giải phóng Nguyễn Thị Định ở miền tây Quảng Trị. Cái tin ấy được các anh Tòng, Lê, Phương… viết và gửi bộ phận thông tin của binh trạm nên chỉ vài ngày sau đã được đăng ở trang nhất, còn ảnh thì chịu. 30 Tết Ất Mão, tôi ngồi bên đống than hồng mà anh em ở trạm giao liên giáp biên giới tỉnh Môn-đôn-ki-ri đốt lúc ban chiều. Một đĩa lương khô, 10 cái kẹo, 10 điếu Ru-by xanh mà các chiến sĩ giao liên tặng. Đêm rừng khộp nóng và khô, cái đài của trạm lại giở chứng nên chẳng biết tin tức gì về Tết ở cả hai miền. Cũng may lúc chiều có mấy “đầu mối” của ta từ Bến Lức vào nên chúng tôi biết được tình hình các chiến trường đang cực kỳ sôi động, việc đánh lớn chỉ chờ thời khắc. Ruột nóng như lửa đốt, tôi giở bản đồ dùng com-pa để tính toán nơi tôi xuống nằm vùng, đó là tỉnh Bến Tre còn tới 500km nữa. Mấy anh em ở thành phố rất chu đáo còn mang theo hai chậu hoa vàng, cành có thế rất đẹp. Phải có người giải thích tôi mới biết đó là cây mai vàng nổi tiếng ở Nam Bộ, hoa thường nở vào giáp tết âm lịch. Ở đó hai ngày, chờ giao liên tôi giở máy tác nghiệp, hai chậu mai vàng và các chiến sĩ ở trạm là đối tượng chính để tôi chụp hình và tối đến giúp tôi tráng phim làm ảnh. Những tấm ảnh in bằng ánh sáng đèn pin và những cuộn phim cắt ra từ hộp phim dài 60m được tráng bằng cả tâm huyết của người làm nghề nhưng cứ phải nằm ở dưới đáy ba lô vì không có giao liên ra Bắc để gửi. Qua mồng 2 tết, tôi hành quân tiếp và xuống đến cánh đồng chó ngáp (Long An) đi với trung đoàn Vàm Cỏ của anh Hai Quyên thì đụng với địch. Ngồi ở chỉ huy sở lúc nào tôi cũng muốn chồm lên chạy theo bộ đội nhưng anh Hai Quyên nhất quyết không nghe với lý lẽ: “Trên giao ông cho đơn vị tôi, lên đó không may bị đạn, tôi ăn nói với trên thế nào? Cứ ở đây, tôi cho cánh lính đến kể cho ông tha hồ mà nhiều tài liệu”. Hai ngày vượt đồng Chó Ngáp xuống đến lộ 4. Tôi đi theo bộ đội của Sư đoàn 8 (Quân khu 8 lúc đó) qua xã Nhị Quý vượt lộ 4 sang Cai Lậy. Cách vượt lộ của bộ đội thật tài tình. Anh em trải những cuộn ni lông chiều ngang cỡ 1m còn chiều dài khoảng 20m cho hết chiều ngang mặt lộ rồi lần lượt đi lên. “Làm như thế để xóa dấu vết”-anh Trung đội trưởng tên Thường, quê Hưng Yên nói với tôi. Đêm tôi lấy máy ảnh ra để tốc độ B để chụp dù biết là vô vọng vì độ nhạy của phim chỉ có 15đin. Hơn một tháng hoạt động ở vùng Long Định (Cai Lậy, Mỹ Tho) tôi còn tham gia nhiều đợt cắt lộ, theo du kích vào các khu “tử địa”. Bám dân và du kích đi gài mìn, tôi vẫn chụp ảnh, tráng phim, ghi chép đặc các quyển sổ tay tôi có và những cuộn phim ấy lại được tôi cho vào thùng đạn đại liên để tránh ẩm mốc và chiếm tới 2/3 thể tích chiếc ba lô tôi có. Ngày nào tôi cũng được nghe tin các cánh quân tiến ở các hướng vào Sài Gòn, nhưng hoạt động ở dưới miền Tây thì không ác liệt và căng thẳng bằng các hướng khác. Mãi đến chiều 30-4, qua Đài phát thanh Giải phóng tôi biết đã giải phóng Sài Gòn. Ngay sáng hôm sau tôi nhờ một du kích đưa ra lộ 4 bắt xe đò đi lên Mỹ Tho. Cái đêm ở Mỹ Tho, tôi đã học lái xe bằng chiếc xe Jeep lấy ở cổng nhà vợ ba Nguyễn Văn Thiệu. Sáng hôm sau, sau khi đổ đầy xăng tôi “giông” thẳng về Sài Gòn với tốc độ 20km/giờ và chụp hết 10 cuộn phim NP55. Về Sài Gòn tráng phim rồi gửi ra Hà Nội, chỉ hai ngày sau phóng sự ảnh của tôi đã chững chạc ở trang nhất Báo QĐND. Là lái xe bất đắc dĩ nhưng tôi vẫn cùng chiếc xe Jeep và anh Tô Vân (phóng viên Báo QĐND) đi Tân Sơn Nhất, Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre… và những ngày ấy việc gửi ảnh, tin, bài cũng dễ hơn.
Đến bây giờ đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn bồi hồi mỗi lần xem lại những kỷ niệm thời làm báo gian khổ của mình. Giá mà có một chiếc máy tính và chiếc máy ảnh kỹ thuật số như hôm nay! Nhưng biết đâu những người làm báo trẻ hôm nay lại muốn trải nghiệm thời làm báo thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết những năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Những cuốn sổ ghi chép trong thời gian ấy đã giúp tôi nhiều trong 30 năm làm báo.
V.Đ