Những họa sĩ Tây Đô nặng lòng với Bác
Ông Trần Văn Giàu, 77 tuổi ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, T.P Cần Thơ kể lại: “…Là hàng xóm với nhau, thấy ảnh mày mò đục đẽo trên mấy miếng nhôm, tui thắc mắc hoài sau nầy thấy ảnh lên truyền hình thì mới biết ảnh làm tranh gò nhôm…”
Gần 40 năm lao động nghệ thuật, họa sĩ Văn Phúc đã cho ra đời nhiều tác phẩm, đóng góp cho ngành mỹ thuật một số tranh, tượng không những có giá trị về nghệ thuật mà còn có ý nghĩa về tư liệu lịch sử nhằm tuyên truyền, giáo dục, phục vụ cho cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước. Có những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được trưng bày và triển lãm ở nhiều nơi, ấn tượng nhất là bức tranh sơn dầu “Bác Hồ nhường ngựa cho viên phi công Mỹ”, “Bác Hồ và Thượng tướng Phùng Thế Tài”, Trống đồng Ngọc Lũ”. “Chợ nổi Cái Răng”… đã đoạt giải thưởng cao cấp quốc gia.
Đặc biệt hơn cả là ông đã hoàn thành trên 100 bức tranh gò nhôm nhiều kích cỡ với kỹ thuật khá tinh xảo. Ông còn có nhiều tác phẩm mỹ thuật được thực hiện bằng bột màu, ký họa đen trắng và nhiều tượng bằng gỗ mít, gỗ mù u… ca ngợi vẻ đẹp của con người, tình yêu, gia đình, phong tục, tập quán của người dân Nam Bộ.
Họa sĩ Đỗ Năm sinh năm 1939 tại Nam Định. Với ông, hai chủ đề chủ lực và là kim chỉ Nam trong sáng tác là hình tượng Bác Hồ và chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ông kể sỡ dĩ chọn hai chủ đề trên là muốn lưu giữ cho thế hệ sau quá trình đấu tranh anh dũng của dân tộc và tỏ lòng ngưỡng mộ tôn kính với Bác kính yêu.
Ông rất có năng kiếu và rất thành công về thể loại tranh lụa và sơn dầu. Tuy vậy với các thể loại khác như điêu khắc, sơn mài, ký họa, ông cũng khá thành công. Nét độc đáo ở người nghệ sĩ tài hoa này là ông là họa sĩ đầu tiên cho ra đời hàng chục tác phẩm mỹ thuật bằng dây điện các loại, đã được bè bạn gần xa trong và ngoài nước đặc biệt ngưỡng mộ như các tác phẩm “Bác Hồ chúc mừng Bác Tôn”; “ Bác Hồ thời trai trẻ ở Pa-ri”; “ Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng”…
Họa sĩ Đỗ Năm tâm sự: “Tôi luôn đi tìm sự mới lạ trong phong cách sáng tác, đi tìm những chất liệu lạ đặc trưng cho vùng đất Nam Bộ để tạo dấu ấn riêng cho mình”.
Biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, ông đã sáng tác tranh trên nhiều chất liệu rất độc đáo như tác phẩm “Hồ Chí Minh, người cầm lái cho cách mạng Việt Nam thể kỷ XX” thực hiện trên cây gỗ quao; tác phẩm “Chiến thắng Tầm Vu” bằng chất liệu 13 loại ngũ cốc miền Nam như: mè đen, đậu nành, đậu đỏ, đậu xanh… Hiên nay tác phẩm của ông đã có mặt trên nhiều quốc gia như: Pháp, Thái Lan, Nhật…. Riêng trong nước, ông cũng có nhiều tác phẩm đang trưng bày ở các bảo tàng, nhà văn hóa khắp cả nước. Đặc biệt hơn cả là ông đã thực hiện trên 40 bức tranh chủ đề về Bác Hồ đang được phổ biến ở các quốc gia và các nhà bảo tàng, nhà văn hóa trong nước. Chưa dừng lại ở đó, dù năm nay đã 77 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài chế tác bản thảo bằng các nguyên liệu như: sầu riêng, mít và các loại gỗ khác. Mới đây, ông lại hoàn thành bộ tranh độc đáo với hình tượng các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, xem đây là món quà chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII với chất liệu là võ cây măng cụt. Đây là bộ tranh đặc biệt có một không hai tại Việt Nam.
Anh Thư