Những giếng nước ngọt giữa trùng khơi
Chòi ngao của ngư dân xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Có ai tin được là giữa biển nước mặn mênh mông lại có những giếng nước ngọt đến lạ thường, không phải do tạo hoá mà do chính tay những người dân nuôi ngao tại vùng biển thuộc huyện Hậu Lộc và huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa tạo ra. Đó là “sản phẩm” của hàng trăm hộ dân nuôi ngao khi muốn đi tìm nguồn nước ngọt để sinh hoạt giữa trùng khơi.
Khi nghe người dân ở vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc xôn xao, bàn tán rằng, ngoài biển, nhiều hộ nuôi ngao cũng có giếng nước ngọt cách đây gần 10 năm. Lân la hỏi chuyện, tôi mới có được một chút ít thông tin và không hiểu là giếng nước ngọt hay là mang nước ngọt ra đó để sinh hoạt? Thật lạ, vì giữa biển nước mênh mông mặn chát thì lấy đâu ra giếng nước ngọt?
Trước những “mâu thuẫn” như thế, tôi quyết định “thực mục sở thị” đến nơi mà người dân nói. Vậy là, như kế hoạch đã được dựng sẵn, một người quen cho tôi đi nhờ thuyền nhỏ để ra ngoài vùng triều nuôi ngao - nơi giáp ranh giữa hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Sáng sớm của ngày đầu tiên tôi đến, chiếc thuyền nhỏ men theo “đường mòn” qua những cánh rừng phòng hộ đưa tôi tiến ra cửa biển. Ước tính đoạn đường từ bờ biển ra đến khu vực nuôi ngao của các hộ dân khoảng 1 hải lý (gần 2km). Sau gần 1 giờ lênh đênh trên thuyền, cuối cùng hình ảnh đầu tiên về những chiếc chòi canh ngao đang đứng giữa biển nước mênh mông bắt đầu ló dần ra khỏi màn sương mờ ảo.
Vất vả với những con sóng to, theo chỉ dẫn của bác lái thuyền, tôi đã tiếp cận được chòi canh ngao của anh Đồng Văn Ánh (SN 1986), trú tại xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá). Vừa bước lên chòi, tôi thấy ngay 1 chiếc giếng khoan có cần bơm đã rỉ sét. Dưới thân bơm là một đường ống nhựa chạy dài xuống mặt nước biển và… mất hút. Như biết ý định của tôi, người chủ chòi cho biết đấy là chiếc giếng dùng để tắm giặt, nấu ăn.
Thấy tôi tò mò hỏi, anh Ánh cho biết: “Chiếc giếng khoan này có được hơn 3 năm nay. Để khoan một chiếc giếng như thế này phải mất mấy ngày mới xong vì còn dò xem có nước không đã. Như chiếc giếng của chòi tôi, thợ phải khoan sâu xuống 120m. Chi phí vận chuyển các thiết bị và tiền công mất từ 30 đến 40 triệu đồng”.
Anh Ánh đưa tôi đến gần chiếc giếng bơm và nói: “Không tin anh cứ thử xem tôi có nói đùa không”. Trong lúc đang lưỡng lự thì anh Ánh dùng hai tay kéo cần bơm liên tục, nước từ miệng máy bơm chảy ra xối xả. Thấy vậy, tôi đưa tay cầm cái ca nhựa hứng nước rồi uống thử thì quả đúng là nước ngọt thật. Không ngờ, giữa biển nước mênh mông như vậy mà có dòng nước ngọt như thế này.
“Ở xung quang chòi của tôi còn 5 chòi khác cũng có nước. Ngày trước, cứ 1 tháng thì đi thuyền vào bờ mang khoảng 5 đến 6 can (can 30 lít) để đựng nước ngọt rồi chở ra. Nước thì ít nên khi người ở ngoài chòi sinh hoạt thì phải tiết kiệm tới mức tối đa. Nhất là tắm giặt, còn lại chủ yếu phục vụ nấu ăn” - anh Ánh vừa cho biết vừa chỉ tay về 5 chòi ngao khác phía xa xa.
Chia tay anh Ánh, tôi được chỉ dẫn đi sang chòi của anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Quan sát qua khu chòi của anh Ngọc thì thấy không có “điều kiện” bằng chòi của anh Ánh. Khi tôi đến cũng là thời điểm nước ngọt dự trữ trong can cũng đã hết.
Anh Ngọc cho hay: “Để có được giếng nước ngọt mà anh đang sử dụng cũng rất tốn kém; năm 2021, anh thuê người khoan đến 140m mới tìm được nước ngọt, chi phí lên đến 50 triệu đồng”. “Ở vùng biển Hậu Lộc và Nga Sơn có hàng trăm hộ dân nuôi ngao, nhưng không phải nhà nào cũng may mắn có được giếng nước ngọt. Bởi có chỗ có chỗ không - còn tuỳ vào yếu tố cấu tạo của địa chất. Như chòi của anh Ánh cùng 5 hộ khác có thể lấy được nước ngọt từ độ sâu từ 100-120m; nhưng có nhà khoan sâu gần 200m vẫn không có nước ngọt” - Anh Ngọc cho biết thêm.
Theo như những người nuôi ngao cho biết, cuộc sống ngoài biển khơi rất vất vả và cực nhọc. Khi nước to thì họ chỉ biết ở trên chòi, làm bạn với chiếc radio hoặc là chèo thuyền sang chòi bạn để nói chuyện. Khi thuỷ triều rút xuống thì họ lại mang đồ nghề xuống diện tích nuôi ngao của mình làm vệ sinh lưới vây, nhặt những chiếc túi ni lông để ngao có môi trường sạch sẽ …
Hết ngày qua ngày, họ sống và làm việc theo con sóng chứ không làm việc theo khung giờ nhất định nào. Trước đây, người nuôi ngao ở vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn rất vất vả, tốn kém khi phải tích trữ nước ngọt mang từ đất liền ra chòi ngao, lại thiếu thốn đủ bề. Có lẽ từ cái khó, cái khổ đã khiến cho người dân nuôi ngạo mạnh dạn khoan biển để tìm kiếm nguồn nước ngọt cho cuộc sống mưu sinh.
Hoàng Thanh